"/>
Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp nước ta phát triển không ngừng, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, không những đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước mà hằng năm còn xuất khẩu hơn bảy triệu tấn gạo cùng nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp khác như cà-phê, chè, tiêu...
Góp phần tạo nên những cánh đồng bội thu của bà con nông dân không thể không kể đến vai trò quan trọng của sản phẩm phân bón, một trong những nhóm ngành sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Cung đã đủ cầu
Theo Bộ Công thương, hiện nay, tổng nhu cầu phân bón của cả nước là gần 10,3 triệu tấn/năm. Cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất các loại phân bón: u-rê, lân, ka-li, NPK. Các nhà máy sản xuất chủ chốt với công suất lớn về phân u-rê như: Ðạm Hà Bắc, Ðạm Phú Mỹ, Ðạm Ninh Bình, Ðạm Cà Mau... Các đơn vị chủ lực khác của Vinachem sản xuất các loại phân lân chế biến, phân hỗn hợp NPK... Tổng năng lực phân hóa học sản xuất trong nước đạt khoảng 9,2 triệu tấn, đáp ứng được 90% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.
Chỉ tính riêng Vinachem, năm 2013, sản lượng phân bón của Tập đoàn đạt hơn bốn triệu tấn, chiếm 65% giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn. Trong đó: u-rê đạt hơn 500 nghìn tấn; DAP đạt 330 nghìn tấn; NPK đạt hai triệu tấn; phân lân nung chảy đạt 900 nghìn tấn, su-pe phốt-phát đạt một triệu tấn, đáp ứng 100% nhu cầu sản xuất của nông nghiệp. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đang tích cực triển khai các dự án sản xuất phân bón đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 550/QÐ-TTg ngày 11-5-2012 về Kế hoạch phát triển 5 năm giai đoạn 2011-2015 của Vinachem. Theo đó, đến năm 2015, sản xuất phân bón của Tập đoàn sẽ đạt tám triệu tấn/năm và năm 2016, có thêm 320 nghìn tấn ka-li được sản xuất từ Lào (thuộc dự án khai thác muối mỏ tại Lào), đáp ứng hoàn toàn nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, chỉ tính riêng các dự án sản xuất phân chứa lân, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã đại diện cho Nhà nước đầu tư vài chục nghìn tỷ đồng. Công suất các nhà máy sản xuất phân bón đạt 1,2 triệu tấn su-pe phốt-phát và 900 nghìn tấn phân lân nung chảy/năm.
Trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn sẽ đầu tư mới hai nhà máy và đầu tư mở rộng nâng công suất một nhà máy sản xuất phân lân (phân su-pe phốt-phát và phân lân nung chảy) với công suất được bổ sung là 400 nghìn tấn/năm. Theo quy hoạch này, đến năm 2016, công suất của các nhà máy sản xuất phân su-pe phốt-phát là 1,3 triệu tấn/năm và phân lân nung chảy là 1,2 triệu tấn/năm.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, hiện nay nhu cầu sử dụng phân lân cho sản xuất nông nghiệp của cả nước khoảng 1,8 triệu tấn, trong đó 1,1 triệu tấn su-pe phốt-phát và 0,7 triệu tấn phân lân nung chảy. Như vậy, cân đối cung cầu thực tế hiện nay thì mỗi năm phân su-pe phốt-phát đã thừa 0,1 triệu tấn, phân lân nung chảy thừa 0,2 triệu tấn. Ðến năm 2016, khi công suất của các nhà máy ổn định, lượng phân su-pe phốt-phát sẽ thừa 0,2 triệu tấn và phân lân nung chảy thừa 0,5 triệu tấn.
Không nên đầu tư thêm các dự án
Ngày 20-9-2013, Vinachem nhận được Văn bản số 7899/VPCP- KTN của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường , UBND tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp xác định nhu cầu, khả năng cân đối phân bón su-pe phốt-phát cho sản xuất nông nghiệp trong nước, khả năng xuất khẩu và khả năng cân đối quặng a-pa-tít trong nước; đề xuất ý kiến về dự án Nhà máy sản xuất su-pe phốt-phát công suất 400 nghìn tấn/năm theo đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không bổ sung Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất phân bón su-pe phốt-phát kép của Công ty Bohra Industries Limited vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011- 2020, có xét đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030. Lý lẽ mà Vinachem đưa ra là, nếu xây dựng nhà máy này thì sẽ phải có một lượng quặng a-pa-tít cung cấp cho nhà máy, nhưng theo tính toán tại Quy hoạch quản lý quặng a-pa-tít giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 thì quặng a-pa-tít loại I và III của nước ta chỉ đủ cung cấp cho các nhà máy sản xuất phân bón trong nước hiện có trong khoảng 27 năm. Nếu đầu tư thêm nhà máy sản xuất su-pe phốt-phát kép với công suất 400 nghìn tấn/năm như đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An thì mỗi năm cần thêm hai triệu tấn quặng loại III để đưa vào tuyển, khi đó thời gian cung cấp quặng cho các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân hiện nay sẽ bị rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 20 năm. Mặt khác, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công thương "không bổ sung thêm dự án mới vào quy hoạch đối với những sản phẩm hiện nay năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu".
Theo báo cáo của Công ty Bohra Industries Limited, thì 70% sản lượng phân bón của công ty sẽ dành để xuất khẩu. Như vậy, với công suất 400 nghìn tấn su-pe phốt-phát có hàm lượng 46% P205, hằng năm nhà máy sản xuất phân bón của công ty này sẽ thải ra môi trường khoảng 650 nghìn tấn gyps (chất thải rắn) và còn một số chất thải khác được đưa vào không khí, nước trong khi sản phẩm làm ra lại chủ yếu dùng để xuất khẩu. Do đó, việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân sẽ lãng phí vốn đầu tư của doanh nghiệp, Nhà nước và toàn xã hội vì vừa thừa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, vừa phải xử lý môi trường, mặt khác còn góp phần làm cho trữ lượng quặng a-pa-tít trong nước nhanh chóng cạn kiệt.