"/>
Vừa qua, tại các địa phương ở Nam Bộ, Tây Nguyên, giá phân bón tăng cao. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã tăng cường cung ứng thêm sản phẩm, góp phần bình ổn thị trường.
Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc giá phân bón tăng mạnh trong một thời gian ngắn như vừa qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới biến động, cùng với đó là giá xăng dầu, cước vận tải tăng. Hơn nữa, vùng Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên đang bước vào đầu vụ sản xuất hè thu. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng một số đại lý lợi dụng găm hàng, đầu cơ, "thổi" giá. Qua theo dõi giá cả thị trường, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá, giá phân bón trong nước tăng cao điểm trong khoảng từ ngày 5 đến 10-6, sau đó, giá bắt đầu giảm dần. Nguyên nhân giảm giá do đã qua thời vụ, giá lương thực thế giới hiện tại đang giảm, giá xăng dầu thế giới cũng đang giảm. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) Nguyễn Hạc Thúy cho rằng, năm 2012, thị trường phân bón sẽ ổn định, lượng cung ứng phân bón cho vụ sản xuất đông xuân cuối năm được bảo đảm, không có khó khăn về nguồn cung. Hơn nữa, Nhà máy đạm Ninh Bình đang ở giai đoạn chạy thử, sẽ đi vào hoạt động thời gian tới, Nhà máy đạm Cà Mau sẽ sản xuất đủ công suất 600 nghìn tấn/năm..., các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn như Công ty phân đạm và hóa chất dầu khí, Công ty phân bón dầu khí Cà Mau đang tăng năng lực sản xuất, sẽ góp phần hạ nhiệt thị trường phân bón.
Cục Trồng trọt ước tính, năm 2012, tổng nhu cầu phân bón cả nước sẽ đạt khoảng 9,88 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu phân u-rê là hai triệu tấn. Hiện trong nước đã sản xuất được 1,75 triệu tấn/năm. Nhu cầu về phân sun-phát a-môn (SA) cần phải đáp ứng được 300 nghìn tấn. Phân ka-li do trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu 900 nghìn tấn. Phân NPK cần 3,5 triệu tấn, trong nước hiện đáp ứng được khoảng 3,4 triệu tấn. Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết, trong cân đối nhu cầu phân bón thì sắp tới, phân đạm và NPK sẽ thừa công suất, do đó, tới năm 2015 sẽ phải xuất khẩu do cung vượt cầu. Cục trưởng Hóa chất (Bộ Công thương) Phùng Hà cho biết, trước tình hình sản xuất phân đạm u-rê trong nước sẽ vượt ngưỡng ba triệu tấn vào các năm tới nên Bộ Công thương đã chấp thuận đề xuất của Công ty phân đạm và hóa chất dầu khí xuất khẩu thử nghiệm 50 nghìn tấn đạm trong năm 2012 để mở thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Hiện danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt
Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như nhiều cơ quan khác đồng quan điểm: Phân bón là mặt hàng vật tư sản xuất quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón cần phải có điều kiện, được cấp phép. Tính trung bình, phân bón chiếm tới 30-35% tổng chi phí sản xuất 1kg thóc. Mặt hàng phân bón cũng cần được đưa vào diện bình ổn giá. Những đơn vị sản xuất phân bón phải có tiêu chí về kỹ thuật, tương xứng với quy mô sản xuất. Cục trưởng Hóa chất Phùng Hà đánh giá: Hiện nay, theo Luật Doanh nghiệp, phân bón không phải là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, các cơ sở sản xuất chỉ cần tự công bố và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trong khi các cơ quan chức năng chưa làm tốt và chưa làm xuể việc hậu kiểm, cho nên, lợi dụng điều này, nhiều cơ sở đã sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Mức phạt cho các hành vi này cũng chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa (cao nhất là 40 đến 50 triệu đồng/vụ). Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, mỗi năm ít nhất có hơn 300 vụ làm giả phân bón bị phát hiện và xử lý. Cục Trồng trọt cho biết, phân bón được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch rất khó kiểm soát về chất lượng. Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, trên thị trường hiện nay, các loại phân NPK, ka-li và hữu cơ bị làm giả nhiều nhất, do những loại này có nhu cầu lớn, công nghệ sản xuất đơn giản, dễ pha trộn. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần thống nhất việc cấp phép sản xuất phân bón. Nghị định mới ban hành sẽ làm thay đổi về chất hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón. Những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, làm ăn kiểu "chụp giật" sẽ dần biến mất, đồng thời hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón rởm tràn lan như hiện nay.
Cục Trồng trọt cũng khuyến cáo nông dân không ham giá rẻ mà mua phân bón trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường mà cần mua đúng đại lý có uy tín, được kiểm chứng, được tư vấn cách sử dụng đúng quy trình, đạt hiệu quả. Ðại diện của Cục Trồng trọt và Cục Hóa chất đều mong muốn các địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất phân bón giả, kém chất lượng... để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Các bộ, ngành có trách nhiệm chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng công suất, bảo đảm chất lượng phân bón, giảm chi phí năng lượng, nguyên liệu, tăng khả năng cạnh tranh, đôn đốc các doanh nghiệp nhập khẩu đủ lượng phân bón kịp thời mùa vụ. Mặt khác, các bộ, ngành, các địa phương cần tăng cường phối hợp quản lý thị trường, tăng cường quản lý việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh phân bón, nhất là tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất phân bón nhỏ lẻ mà nhà xưởng, thiết bị cũ nát, lạc hậu. Ðể tránh hiện tượng đầu cơ, nâng giá, các cơ sở sản xuất lớn cần tổ chức hệ thống phân phối hợp lý, giảm bớt các nấc phân phối trung gian để nông dân được mua phân bón đúng giá công bố. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần tăng cường làm tốt công tác dự báo sát diễn biến thị trường để chủ động nguồn hàng phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất nông nghiệp.