Ngày 23/2, đoàn làm việc do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì đã có chương trình làm việc với Sở Công Thương Cần Thơ và các doanh nghiệp hóa chất, phân bón trên địa bàn về công tác quản lý, hóa chất phân bón năm 2015 và kế hoạch năm 2016.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, hiện nay trên địa bàn TP.Cần Thơ có hơn 150 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến hóa chất, trong đó, có 20 DN kinh doanh hóa chất (hóa chất phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nghiên cứu thí nghiệm, tiêu dùng); 2 DN sản xuất hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất có điều kiện (sản xuất khí oxy, nitơ, axetylen); các DN còn lại là sử dụng, tồn trữ hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp và một số ngành nghề khác.
Cũng theo ông Toại, tính đến thời điểm đầu năm 2016, Sở Công Thương Cần Thơ đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất cho 21/22 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất (1 DN còn lại đang hoàn thiện hồ sơ và điều kiện để hoạt động); trong đó có 2/2 DN sản xuất hóa chất; thực hiện xác nhận Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cho 41 DN hoạt động hóa chất (20 DN kinh doanh, 2 DN sản xuất và còn lại là các doanh nghiệp sử dụng, tồn trữ hóa chất); tổ chức huấn luyện, kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn hóa chất cho 500 lượt là cán bộ, người lao động trực tiếp tiếp xúc với hóa chất tại các DN.
Đối với hoạt động phân bón vô cơ lại tương đối phức tạp do khó trong công tác quản lý và nạn phân bón giả hoành hành. Theo bà Bùi Thị Nga - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn TP.Cần Thơ có 27 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, 1 đơn vị nhập khẩu và 363 cơ sở là các nhà phân phối, đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón vô cơ. Hầu hết, các DN sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ trên địa bàn đều nắm được các quy định của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ Công Thương.
Tính đến nay, trên địa bàn đã có 12/27 cơ sở lập hồ sơ gửi Bộ Công Thương xin cấp Giấy phép sản xuất phân bón vô cơ, trong đó có 5 cơ sở được Bộ Công Thương cấp giấy phép, 1 cơ sở đang hoàn thiện cơ sở vật chất và 6 cơ sở Bộ Công Thương đang xem xét hồ sơ. Sở Công Thương đã xác nhận đăng ký công bố hợp quy cho 27 cơ sở sản xuất và 1 cơ sở nhập khẩu phân bón vô cơ trên địa bàn.
Bà Nga nhấn mạnh, mặc dù, Thông tư số 29 có quy định Sở Công Thương tham gia phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT) trong kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ thuộc địa bàn quản lý. Nhưng hiện nay, trên địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất phân bón vô cơ đang sản xuất hàng trăm sản phẩm với nhiều chủng loại phân bón khác nhau, chất lượng khác nhau và khá phức tạp, một số cơ sở chưa lập thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nếu địa phương phát hiện các cơ sở sản xuất phân bón không có giấy phép sản xuất và sản phẩm phân bón sản xuất kém chất lượng thì cũng không đủ cơ sở để xử lý vi phạm. Sở Công Thương cũng chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường kiểm tra phân bón, nhưng chủ yếu xử lý hành chính trong lĩnh vực sai phạm về nhãn hàng hóa, chưa có cơ sở xử phạt về hàng kém chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cũng khẳng định, hiện nay, một số doanh nghiệp vừa sản xuất phân bón hữu cơ vừa sản xuất phân bón vô cơ, nên thời gian tới việc ban hành các quy định, quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về phân bón giữa 2 Bộ là điều rất cần thiết. Điều này, không những nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước mà còn giúp cho các DN sản xuất, kinh doanh phân bón cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
“Bên cạnh đó, cần tập trung thanh tra kiểm soát tốt đối mặt hàng phân bón khi đưa ra thị trường và lực lượng Quản lý thị trường phải đóng vai trò quan trọng trong công tác dẹp loạn phân bón giả. Đồng thời phối hợp kiểm tra với giáo dục, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo, để tăng cường kiểm soát về phân bón giả tới đây sẽ phải làm quyết liệt, đặc biệt là việc cấp phép kinh doanh cho các DN phân bón trên cơ sở của Nghị định số 202 và Thông tư 29. Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN &PTNT, Hiệp hội Phân bón trao đổi thêm về Nghị định 202 để tăng cường công tác thanh tra, giám sát chặt mặt hàng này sau đó sẽ trình Chính phủ.
Thứ trưởng đề nghị, các DN kinh doanh phân bón trên địa bàn phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về sản xuất, kinh doanh. Nếu các DN, cơ sở nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn phải kiên quyết đóng cửa. Có như vậy thị trường DN sản xuất, kinh doanh phân bón mới cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững.
Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Thứ trưởng đã thăm và làm việc tại Công ty CP Phân bón và hóa chất Cần Thơ và Công ty CP Nông nghiệp Ba Lá Đòng.