"/>"/>

Sản xuất phân bón: Khó - có ló khôn?

09:02 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Mười Hai, 2013

Năm 2013 ghi nhận những khó khăn trong kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất phân đạm. Ngay cả doanh nghiệp vốn "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như Đạm Phú Mỹ cũng không khả quan.

Sát ván trên thị trường nội địa

Các nhà sản xuất trong nước đang phải giảm sản xuất do nguồn cung trong nước đang lớn hơn cầu. Hiện giá phân urê Phú Mỹ từ đại lý cấp 1 phân phối đến đại lý cấp 2 hoặc bán cho nông dân có giá 8.400-8.600 đồng/kg, còn nhà máy bán cho đại lý 7.400-7.600 đồng/kg, tăng bình quân 200 đồng/kg so với cách đây 1 tháng; giá phân urê hạt đục Cà Mau dao động từ 7.800-8.300 đồng/kg tại các tỉnh phía Nam.

Để đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp ngành phân bón hiện đang triển khai nhiều hoạt động chạy đua tiếp cận khách hàng theo cách thức cung cấp thông tin, cung cấp khuyến mãi... Các doanh nghiệp phân bón hiện đã cảm nhận rất rõ độ khó của thị trường.

Trong lĩnh vực phân ure, hiện Tổng Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí-Đạm Phú Mỹ (DPM) là 1 trong 2 doanh nghiệp trong nước lớn nhất tính trên công suất thiết kế đạt 800.000 tấn/năm. Có thể nhìn từ câu chuyện của DPM để thấy cái khó chung của các doanh nghiệp khác.

Thực ra, sự giảm sút lợi nhuận của DPM có nguyên nhân từ việc Nhà máy DCM thuộc Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau tách ra khỏi DPM hồi tháng 11-2012 và trở thành “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp với DPM bởi có cùng loại sản phẩm và công suất thì tương đương. Đã vậy, DCM lại có lợi thế địa lý khi nằm ngay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước và cũng là thị trường tiêu thụ phân đạm lớn nhất nước.

Do đó, việc sụt giảm 43,6% doanh thu trong quí III-2013 của DMP so với cùng kỳ năm trước cũng giống như chỉ báo về việc cạnh tranh ngày một khắc nghiệt tại thị trường trong nước.

Chưa hết, các doanh nghiệp, kể cả DPM hay DCM, cũng đang phải gặp vấn đề về sự sụt giảm của giá đạm Ure do nhu cầu phân bón đang giảm bởi yếu tố thời vụ (vụ Hè Thu đã khép). Thêm nữa, sản lượng sản xuất đạm Ure trong nước hiện đang không ngừng tăng, đáp ứng được tới 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước và được dự báo sẽ cung vượt cầu trong thời gian tới.

Mặt khác, sự đổ bộ của phân bón nhập khẩu càng khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường này tăng lên. Hiện, 90% sản lượng urê nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, vốn có giá bán thấp hơn khoảng 500-700 đồng/kg so với giá ure sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp sản xuất trong nước hiện cũng gặp khó về các khoản nợ vay. Tỷ lệ nợ vay trung bình của ngành này là 48% và chủ yếu ngắn hạn. Trong đó, tỷ lệ nợ vay của một số doanh nghiệp niêm yết trong ngành phân bón khá cao như như Công ty CP Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa sinh HSI đang có tỷ lệ nợ vay 84% hay như Công ty CP Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LSS) có tỷ lệ nợ vay 52%, điều này dẫn đến những khó khăn trong thanh toán và tình trạng tài chính của doanh nghiệp không đảm bảo. Chưa hết, trong 9 tháng qua, cũng chính HSI đang có tình trạng kinh doanh lãi âm và lũy kế cả lãi âm của cả năm 2012. Còn LSS tuy khả quan hơn nhưng lại có lượng hàng tồn kho rất cao nên khả năng thanh toán bị trì đọng.

Âu lo khi ra thị trường quốc tế

Một khi cơ hội ở thị trường nội địa không còn dồi dào, đầu tư ra thị trường nước ngoài, khai phá các thị trường nông thôn của các quốc gia trong khu vực Asean là hướng mà hầu hết các doanh nghiệp ngành phân bón đều tính toán. Hiện tại, tại các thị trường như Campuchia, Trung Quốc, thậm chí ở một số thị trường xa hơn như Úc, các doanh nghiệp Việt Nam như DPM, DCM, Phân bón Năm Sao, HSI, Phân bón Bình Điền... đều đã có mặt.

Đặc biệt, tại thị trường Campuchia với khu vực Biển Hồ - vùng đồng bằng thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và tạo nên trung tâm Campuchia, các doanh nghiệp ngành phân bón Việt đã rất quan tâm đẩy mạnh khâu “làm thị trường”. Tuy nhiên, mức độ thâm nhập thị trường lân cận của doanh nghiệp ngành phân bón hiện vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách nông nghiệp, nông thôn lo lắng khi Việt Nam, một đất nước có trụ đỡ từ nông nghiệp mà lại chưa đầu tư đủ và đúng mức vào những lĩnh vực máy móc công nghiệp và sản xuất phân bón. Nhưng đáng lo ngại hơn còn bởi chuyện sống còn của doanh nghiệp lúc này liên quan rất nhiều đến khả năng thích nghi với hội nhập sâu rộng. Nhất là khi Hiệp định TPP được ký kết, doanh nghiệp được xác định sẽ đối diện rủi ro lớn nhất, 5 ăn 5 thua, hay thậm chí có lĩnh vực sẽ bị xóa sổ, ông Sơn khuyến nghị.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thực sự quan ngại cho đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trước thềm TPP được ký kết. Lúc này hàng phân bón nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước còn đang cạnh tranh chật vật trên ngay chính sân nhà với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc với giá thành thấp hơn hẳn, thì ít nữa sẽ rất dễ mất thị trường vào tay hàng nhập khẩu.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp ngành phân bón đã nhận được cảnh báo về nguy cơ cao này.

Họ đã ứng đối theo cách mở mang ra thị trường nước ngoài, nhưng như thế là chưa đủ nếu mỗi doanh nghiệp không tự cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc trung tâm WTO (VCCI) đưa ra khuyến nghị.

Ngành phân bón và hoá chất hiện đang giảm sản lượng, so với cùng kỳ, sản lượng phân NPK tháng 11 ước đạt 21.300 tấn giảm 9,5%; phân DAP ước đạt 26.000 tấn, giảm 4,5%; phân urê ước đạt 208.100 tấn, giảm 19,1%.

Tính chung 11 tháng so với cùng kỳ, phân NPK ước đạt trên 2,2 triệu tấn, giảm 3%; phân DAP ước đạt 210.000 tấn, giảm 19,2%; riêng sản lượng phân urê ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 19,8%.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, các loại phân bón nhập khẩu trong 9 tháng 2013 đã đạt tới 3,36 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kì với trị giá tương đương 1,26 tỷ USD (tăng 5,3% yoy). Trong đó, sản lượng urê nhập khẩu lên đến 546,3 nghìn tấn (+25,1% yoy) và đạt trị giá 184,4 triệu USD (+2,7% yoy).

Nguồn: