Ngày 1/2 vừa qua, Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí phân bón có hiệu lực sau 2 năm chuyển tiếp. Sau ngày này, những DN nào không có giấy phép sẽ không được SX, kinh doanh phân bón.
Vậy trong số hơn 700 DN phân bón đã bao nhiêu đơn vị có giấy phép?
Chuẩn mà chưa chuẩn
Theo quy định tại Điều 8, Nghị định 202 về điều kiện SX phân bón, để được cấp giấy phép, các DN SX, kinh doanh phải đáp ứng được đầy đủ các quy định sau.
Thứ 1, phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về SX phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thứ 2, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật, gồm: Địa điểm, diện tích, nhà xưởng, kho chứa phù hợp với công suất SX phân bón; Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với công suất và chủng loại phân bón SX; Áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng; có tiêu chuẩn áp dụng cho nguyên liệu đầu vào đảm bảo các điều kiện về quản lý chất lượng sản phẩm phân bón; Có phòng thử nghiệm, phân tích hoặc có thỏa thuận với tổ chức thử nghiệm, phân tích được chỉ định hoặc công nhận và đã đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm, phân tích theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa để quản lý chất lượng sản phẩm; Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; Có đủ các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ 3, yêu cầu về nhân lực: có đội ngũ quản lý, kỹ thuật, điều hành SX phân bón có trình độ chuyên môn về hóa, lý hoặc sinh học, trong đó Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở SX phân bón phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; Người lao động trực tiếp SX phân bón phải được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về phân bón.
Qua tìm hiểu từ phía các DN và cơ quan quản lí nhà nước mà trực tiếp là Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và Cục Hóa chất (Bộ Công thương), hiện các quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy và nhân lực là những yêu cầu các DN gặp khó khăn và mất thời gian nhất.
Nhất là quy định về nhân lực, bởi trong số hơn 700 DN SX, kinh doanh phân bón số lượng lãnh đạo DN có bằng đại học hóa, lý, sinh không nhiều.
Đặc biệt, thay đổi cơ bản và quan trọng nhất của Nghị định 202 so với Nghị định 113 và 191 trước đây về quản lí phân bón đó là chuyển phân bón từ ngành nghề SX, kinh doanh không cần giấy phép sang có giấy phép và từ quản lí theo danh mục sang quản lí bằng Quy chuẩn tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, thiếu sót trong văn bản quy phạm, pháp luật Việt Nam hiện nay là chúng ta mới chỉ có Quy chuẩn tiêu chuẩn Quốc gia đối với các nguyên tố đa lượng là: đạm (N2O), lân (P2O5) và kali (K2O), còn các chất trung, vi lượng, các sản phẩm NPK hiện chưa có Quy chuẩn Quốc gia.
Qua tìm hiểu một số DN đã được cấp giấy phép SX phân bón chúng tôi nhận thấy, để có được giấy phép SX kinh doanh phân bón, hầu hết các đơn vị đều phải thông qua một Văn phòng Luật sư để hoàn thiện thủ tục, giấy tờ với chi phí bình quân từ 60 - 80 triệu đồng. Vì vậy, với khoảng 200 DN đã được cấp phép, số chi phí phải bỏ ra để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục lên tới hàng chục tỉ đồng.
Vì vậy, khi tiến hành hợp chuẩn, hợp quy các DN phải dựa vào Tiêu chuẩn cơ sở, tức là tự công bố, tức là làm hợp chuẩn hợp quy lại sản phẩm đã vào danh mục trước đây theo Nghị định 191. Đây là thiếu sót gây mâu thuẫn với chính Nghị định 202 là yêu cầu quản lí theo Quy chuẩn, tiêu chuẩn, không những gây lãng phí cho DN mà còn tạo điều kiện cho việc mua bán giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Vì vậy, việc cần làm hiện nay với các cơ quan quản lí nhà nước và các nhà khoa học, phải sớm ban hành được Quy chuẩn Quốc gia đối với các nguyên tố trung, vi lượng và sản phẩm NPK, lúc đó Nghị định 202 mới thực sự được hoàn thiện.
Mới trên 20% DN có giấy phép
Trước khi Nghị định 202 chính thức có hiệu lực, theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có trên 700 DN SX, kinh doanh phân bón, trong đó riêng TP.HCM chiếm trên 60% với xấp xỉ 500 DN.
Qua trao đổi với bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) được biết, đơn vị này mới cấp Giấy phép SX phân bón vô cơ cho gần 180 DN còn phía Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết có 20 DN phân bón hữu cơ và phân bón khác đã được Cục này cấp phép, tức là chỉ khoảng trên 20% so với con số trên 700 DN.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ông Ma Quang Trung, quan điểm của Cục là tạo mọi điều kiện cho DN, song cũng yêu cầu DN cần đáp ứng đầy đủ và hoàn thiện các tiêu chí mới tiến hành cấp giấy phép.
Do đó, đến thời điểm hiện tại, phía Cục Trồng trọt đã tiếp nhận được 85 hồ sơ của DN xin cấp phép phân bón hữu cơ và phân bón khác, song qua rà soát và xem xét chỉ có 20 DN đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
Sở dĩ việc cấp giấy phép SX phân bón của các DN chậm theo phản ánh của các DN là sự phối hợp mờ nhạt giữa Cục Hóa chất (Bộ Công thương) và Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong khi số lượng DN SX phân bón vừa có sản phẩm vô cơ vừa có sản phẩm hữu cơ có số lượng khá lớn. Quả thực, từ khi Nghị định 202 ra đời đến nay, chúng tôi nhận thấy hai Cục này gần như chưa có sự phối hợp nào mang lại hiệu quả thiết thực cho DN.
Các đơn vị còn lại cần phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định tại Nghị định 202 và Thông tư hướng dẫn 41 của Bộ NN-PTNT.
"Quan điểm của Cục Trồng trọt, sau ngày 1/2/2016, nếu DN nào chưa được cấp phép, các sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón khác đã đăng ký thành công vào danh mục trước đây sẽ bị gỡ bỏ khỏi website của Cục Trồng trọt và không được phép lưu hành trên thị trường. Nếu DN nào cố tình bán sản phẩm khi chưa được cấp phép sẽ bị coi là hàng giả hoặc hàng hóa SX không phép", ông Ma Quang Trung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với sản phẩm phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản lí phức tạp hơn do còn chịu sự chi phối của văn bản dưới Thông tư hướng dẫn là Công văn số 7077/BTC-HC về xử lí bao bì phân bón vô cơ chưa có dấu hợp quy do Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Vượng ký ngày 14/7/2015.
Theo công văn này, để tránh lãng phí các bao bì đã in trước đó khi chưa có dấu hợp chuẩn, hợp quy, các sản phẩm phân bón vô cơ được SX và công bố sản phẩm, hàng hóa theo TCVN, TCCS phù hợp hoặc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài (vỏ bao bì chưa có dấu hợp quy) trước ngày Thông tư số 29/2014/TT-BCT của Bộ Công thương có hiệu lực thi hành (ngày 27/11/2014) hiện đã và đang lưu thông trên thị trường tiếp tục được lưu hành hết thời hạn sử dụng trên bao bì.
Các Sở Công thương kiểm tra xác định số lượng bao bì đã in TCCS phù hợp, TCVN hoặc tiêu chuẩn nước ngoài còn tồn kho và được sử dụng đến hết ngày 27/11/2016.
Trường hợp sản phẩm đã công bố TCCS, TCVN hoặc tiêu chuẩn nước ngoài hoặc có chứng nhận hợp quy được phép bổ sung công bố hợp quy trên bao bì. Do đó, các tổ chức, cá nhân SX, kinh doanh phân bón vô cơ trong các trường hợp nêu trên báo cáo về Sở Công thương số lượng bao bì chưa có dấu hợp quy, có kế hoạch SX và sử dụng bao bì cũ phù hợp.
Chiếu theo quy định này, rất nhiều DN SX phân bón vô cơ hiện nay dù chưa được cấp giấy phép SX kinh doanh phân bón sau ngày 1/2/2016, song nếu sử dụng bao bì cũ đã SX và in trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực vẫn được quyền bán sản phẩm phân bón vô cơ trên thị trường đến hết ngày 27/11/2016 theo hướng dẫn của Công văn số 7077.
Như vậy, vô hình chung cùng một Nghị định lại tạo ra sự cạnh tranh không công bằng giữa các DN SX phân bón vô cơ và hữu cơ khi một bên là vô cơ được sử dụng bao bì cũ đến hết ngày 27/11/2016, còn phía hữu cơ phải chấm dứt lưu hành ngay khi Nghị định 202 có hiệu lực.
Trong khi các DN SX phân bón hữu cơ hầu hết là DN nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các DN SX phân bón vô cơ hiện chiếm tới 90% tổng lượng sản phẩm phân bón SX tại Việt Nam hàng năm thì lại không được hưởng các "ưu đãi" như của DN vô cơ.