Nhiều DN sản xuất, kinh doanh phân bón phàn nàn là hiện nay trong các công văn, văn bản phía cơ quan quản lí nhà nước trả lời DN khi chưa đầy đủ các thủ tục giấy tờ thường không rõ ràng và rất chung chung trong việc hướng dẫn.../ Bất cập và thiếu sự phối hợp.
Sau khi NNVN có hai bài viết phản ánh các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy phép SX phân bón theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lí phân bón có hiệu lực ngày 1/2/2016, chúng tôi nhận được những phản hồi từ phía DN về vấn đề này.
Một DN SX phân bón NPK có công suất gần 20.000 tấn/năm tại tỉnh Long An lo lắng chia sẻ: DN thành lập và được các cơ quan chức năng tỉnh Long An chấp nhận phê duyệt đánh giá tác động môi trường “Nhà máy sản xuất phân bón NPK chuyên dùng” năm 2011 và 2013, trước thời điểm Nghị định 202 ra đời.
Tuy nhiên, khi Nghị định 202 có hiệu lực đã phân tách công tác quản lí nhà nước về phân bón cho hai Bộ khác nhau là Bộ Công thương (quản phân bón vô cơ) và Bộ NN-PTNT (quản phân bón hữu cơ và phân bón khác).
Chính bởi quy định này nên trong quá trình xin cấp phép phân bón DN gặp rất nhiều phiền hà, ách tắc do việc đánh giá tác động môi trường quá chi tiết khi ghi rõ là “Nhà máy sản xuất phân bón NPK chuyên dùng”.
Trong công văn phía Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) gửi phản hồi DN này có đề nghị công ty phải làm rõ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Nhà máy sản xuất phân bón NPK chuyên dùng” có quy trình sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác hay không?
Nếu chưa có cần bổ sung hoặc phải có xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đối với dự án sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác.
Nhận được công văn phản hồi này, vị lãnh đạo DN kia thẫn thờ bởi để làm lại một bộ hồ sơ đánh giá tác động môi trường từ đầu mất không biết bao nhiêu thời gian cũng như tốn kém không biết bao nhiều tiền của.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng thanh tra và quản lí thị trường có thể xử phạt DN bất cứ lúc nào nếu chưa được cấp giấy phép phân hữu cơ và phân bón khác.
Phần lớn các DN để có được một bộ giấy phép phân bón hoàn chỉnh trong tay đều phải qua cửa và chi bình quân từ 60 - 80 triệu đồng cho các văn phòng luật sư hoặc các công ty tư vấn luật để được tư vấn “đi đúng đường đi nước bước”.
Đến lúc này, vị lãnh đạo DN kia bức xúc cho rằng, bản thân phía DN được cấp giấy phép và phê duyệt đánh giá tác động môi trường từ trước khi Nghị định 202 ra đời mà trong các Nghị định trước không có quy định phân ra nhiều loại phân bón hữu cơ và phân bón khác như Nghị định 202 nên các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện, hỗ trợ DN bằng việc kế thừa những thủ tục pháp lí mà DN đã hoàn thiện trước đó, chứ giờ bắt làm lại từ đầu thực sự DN sẽ khốn khổ.
Ngay khi nhận được thông tin này, chúng tôi lập tức liên hệ với một vị cán bộ chuyên trách về phân bón của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) được trả lời rằng, việc cơ quan quản lí nhà nước yêu cầu các DN phải có đánh giá tác động chi tiết với sản phẩm phân bón hữu cơ và phân bón khác cũng là muốn tốt cho DN sau này, bởi nếu không phía DN có thể bị cơ quan chức năng xử phạt bất cứ khi nào.
Theo vị cán bộ này, trong đánh giá tác động môi trường nhiều đơn vị ghi quá chi tiết, ví dụ như “Nhà máy sản xuất phân bón NPK chuyên dùng”. Do từ ngữ “NPK” là chỉ chi tiết, đích danh sản phẩm phân bón vô cơ nên không thể dùng cho phân bón hữu cơ và phân bón khác?
Để tháo gỡ vướng mắc này, vị cán bộ ở Cục Trồng trọt cho biết, phía DN có thể làm một bản cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường hiện nay với sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác để được cấp phép trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, và theo quy định là thời gian gia hạn tối đa là 36 tháng.
Nhân đây, vị cán bộ Cục Trồng cũng lưu ý các DN sản xuất, kinh doanh phân bón khi làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường nên ghi chung chung là “sản xuất phân bón” sẽ có thể dùng được cho cả phân vô cơ cũng như phân hữu cơ và phân bón khác.
Từ câu chuyện trên cho thấy, các quy định quản lí nhà nước hiện nay mặc dù so với trước đây được xiết chặt lại rất nhiều, nhưng việc xiết chặt này mang tính chất máy móc, không đi vào thực tế những bất cập, nhức nhối của ngành. Nếu làm quá chặt chẽ việc quản lí chưa chắc đã tốt hơn mà có khi lại bị coi là gây khó dễ, phiền hà cho DN.
Đặc biệt, nhiều DN sản xuất, kinh doanh phân bón phàn nàn là hiện nay trong các công văn, văn bản phía cơ quan quản lí nhà nước trả lời DN khi chưa đầy đủ các thủ tục giấy tờ thường không rõ ràng và rất chung chung trong việc hướng dẫn khiến DN không biết đường nào mà lần.