Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết giá bán điện hiện thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện nên việc điều chỉnh giá là cần thiết và Chính phủ đã phê duyệt lộ trình thực hiện. Trước khi điều chỉnh giá, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã kiểm tra và thấy các yếu tố điều chỉnh giá của EVN phù hợp với một số chi phí có biến động như tỉ giá, nguyên liệu đầu vào…
Ông Thỏa cũng cho rằng tăng giá điện dù ít hay nhiều sẽ tác động sản xuất và đời sống. Xét về kinh tế vĩ mô, tăng giá điện sẽ gây sức ép đến lạm phát nếu không có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa lợi dụng để tăng giá bất hợp lý. Cụ thể, đối với sản xuất giá điện bán cho sản xuất tăng bình quân khoảng 5,7% sẽ làm tăng giá thành của một số ngành dùng nhiều điện.
Giải thích cho lần tăng giá được xem là bất ngờ này, ông Đinh Quang Tri phân trần hiện EVN đang bị các ngân hàng thúc ép điều chỉnh giá điện để tăng năng lực tài chính của EVN. Nếu không điều chỉnh, một số tổ chức tín dụng thông báo sẽ dừng giải ngân các dự án đã ký hợp đồng vay vốn và không ký mới các khoản vay tiếp theo. Với đợt tăng giá điện 5%, mỗi tháng EVN sẽ có bình quân khoảng 500 tỉ đồng doanh thu.
Trả lời câu hỏi liệu giá điện có tiếp tục tăng trong thời gian tới, cả hai người đều cho biết điều này phụ thuộc vào giá nhiên liệu, tỉ giá, cơ cấu sản lượng điện phát… và điều kiện kinh tế-xã hội tại thời điểm đó. Tuy nhiên, ông Thỏa khẳng định đến tết Nguyên đán năm 2012, giá điện sẽ giữ như điều chỉnh ngày 20-12. “Tuy nhiên, trong năm, điều chỉnh mấy lần, mức độ điều chỉnh và điều chỉnh vào thời gian nào phải được tính toán kỹ. Nếu DN quản lý kém, lãng phí trong sử dụng nguyên nhiên vật liệu để làm tăng giá thì phải kiên quyết loại trừ” - ông Thỏa nói.
Liên quan đến thu nhập bình quân một tháng của cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng mà kiểm toán vừa công bố, ông Đinh Quang Tri giải thích, tiền lương các đơn vị của EVN được thực hiện theo đúng chế độ quy định của Nhà nước. Kỹ sư, công nhân ngành điện được hưởng một số chế độ riêng biệt so với các ngành nghề khác như phụ cấp an toàn điện, độc hại nặng nhọc, nơi miền núi khó khăn.
Ông Tri cho biết quỹ tiền lương kế hoạch năm 2010 đối với HĐQT, tổng giám đốc EVN gồm có bảy người là 3,108 tỉ đồng và được hưởng tiền thưởng an toàn điện năm 2010 theo Quyết định 234 của Thủ tướng. Hiện tại hệ số lương của ông là 8,2, với mức này tổng lương hằng tháng nhận được là khoảng 30 triệu đồng, chưa tính một số khoản tăng ca khác.
Theo nguồn tin từ Bộ LĐ-TB&XH, thanh tra bộ này đang tiến hành kiểm tra quy chế thực hiện tiền lương và thu nhập tại khoảng 25 đơn vị của EVN. Dự kiến giữa tháng 1-2012 sẽ kết thúc đợt kiểm tra và có báo cáo chính thức việc thực hiện quy chế lương thưởng tại EVN.