Tình hình sản xuất, kinh doanh, buôn lậu phân bón trên thị trường vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ gây thiệt hại lớn đến sản xuất của người nông dân và quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương với chức năng quản lý nhà nước đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước, nhất là QLTT các tỉnh khu vực Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vô cơ. Trong đó đặc biệt lưu ý việc lấy mẫu, kiểm nghiệm phân bón và chuyển hồ sơ các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng QLTT đã duy trì công tác rà soát các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn kiểm tra giấy phép sản xuất phân bón, việc duy trì các điều kiện sản xuất, gia công phân bón; hồ sơ công bố hợp quy; việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng phân bón, ghi nhãn, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc phân bón. Phối hợp với các cơ quan báo, đài phát thanh của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón. Đồng thời, cử cán bộ trực tiếp tới các cơ sở kinh doanh phân bón thực hiện ký cam kết không kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, phân bón kém chất lượng; xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Những nỗ lực trên đã đem lại nhiều kết quả bước đầu. Đơn cử, tính từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh Long An đã xử phạt gần 200 triệu đồng vi phạm về mặt hàng phân bón, buộc tiêu hủy gần 100 bao phân bón giả, chuyển cơ quan công an khởi tố hình sự theo quy định pháp luật 1 trường hợp kinh doanh phân bón giả không có giá trị sử dụng. Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên thông qua thanh tra 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm và xử phạt với số tiền hơn 330 triệu đồng. Đây là các cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật như: chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn; dây chuyền sản xuất chưa tự động, bảo hộ lao động chưa đáp ứng yêu cầu… Ngoài ra, tại các địa bàn Đăk Lăk, Hậu Giang… cũng phát hiện nhiều trường hợp kinh doanh, vận chuyển phân bón hết hạn, không rõ nguồn gốc….
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm thiệt hại cho người nông dân, bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính. Trong đó, tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phân bón vô cơ. Nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần ngăn chặn sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Lực lượng QLTT xác định phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón, cũng như nhân dân trong việc cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm nắm bắt nhanh chóng tình hình, đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động; kịp thời kiểm tra, xử lý các đường dây buôn lậu, các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ phân bón giả, kém chất lượng.
Nguồn: Báo Công Thương