"/>"/>

Siết chặt các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu

09:01 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Giêng, 2014

Sắp tới đây, các dự án đầu tư mới như dệt nhuộm; sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu; luyện thép; khai thác, chế biến khoáng sản; nhiệt điện; sản xuất giấy; sản xuất xi măng; sản xuất mía đường sẽ bị kiểm soát chặt về công nghệ sản xuất.

Đây là một trong những mục tiêu chính của Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 30-12-2013.

Mục tiêu của chiến lược là nhằm đẩy mạnh sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống cộng đồng.

Với chiến lược này, Chính phủ sẽ đưa ra lộ trình cụ thể trong việc áp dụng công nghệ sạch và loại bỏ công nghệ lạc hậu cho các ngành công nghiệp.

Cụ thể, đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành trên phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch; 60-70% cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các ngành công nghiệp nêu trên hoàn thành việc xây dựng, thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch.

Đến năm 2030, 100% các cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

Bên cạnh các lĩnh vực kể trên, các nhóm ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm khác như hóa chất, luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng cũng tiến tới được đưa vào diện kiểm soát trong chiến lược này của Chính phủ.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online gần đây, ông Tôn Quang Trí, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận xét: “Các dự án sản xuất công nghiệp tại TPHCM hiện nay chủ yếu giải quyết nhu cầu lao động, tận dụng lao động rẻ, giá điện rẻ. Đã đến lúc cần siết lại các nhà máy có công nghệ sản xuất lạc hậu, tránh hy sinh môi trường”.

Nguồn: