Trong đợt thanh kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh Đác Nông mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện nhiều công ty phân bón, cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về quy chuẩn đo lường chất lượng; sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, không công bố hợp quy.... Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm, việc áp dụng các chế tài, mức xử lý vi phạm vẫn còn quá nhẹ, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa, khiến một số công ty, cơ sở kinh doanh vẫn bất chấp quy định pháp luật, thu lợi bất hợp pháp, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nhiều công ty, doanh nghiệp vi phạm
Cụ thể, tại cơ sở kinh doanh phân bón Huy Hoàng, xã Quảng Sơn, huyện Đác G'Long, qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện có 85 bao phân bón NPK 31 -10-10 loại 25kg, do Công ty cổ phần phân bón Nhật Mỹ sản xuất, có địa chỉ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có giá trị trọng lượng trung bình nhỏ hơn quy định cho phép, sai số 2,31%, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Đoàn đã tiến hành niêm phong lô hàng nói trên, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở Huy Hoàng về hành vi vi phạm các quy định tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm, và truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp từ việc “móc túi” người tiêu dùng.
Tiếp tục kiểm tra ba cơ sở kinh doanh phân bón của Công ty cổ phần phân bón Quốc tế Năm sao, có địa chỉ sản xuất ở huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh gồm: đại lý phân bón Anh Tuấn, xã Đác R’tih, huyện Tuy Đức, với sản phẩm phân bón NPK 17-7-19+TE loại 50kg; cửa hàng phân bón Tình Khuân, xã Đác Bukso, huyện Tuy Đức, với sản phẩm phân bón NPK 17-7-17+7S+TE loại 50kg và đại lý phân bón Chung Linh, xã Nghĩa Thắng, huyện Đác R’lấp, với sản phẩm phân bón NPK+bo+đồng+kẽm loại 25kg. Kết quả kiểm tra cho thấy, cả ba sản phẩm phân bón nêu trên đều vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hang hóa; sản xuất có giá trị trung bình nhỏ hơn giá trị trung bình cho phép theo quy định.
Đối với phân bón NPK hữu cơ vi lượng, phân bón Trung Vi Lượng…tình trạng vi phạm diễn ra tương tự, kiểm tra ngẫu nhiên ba cơ sở gồm: đại lý phân bón Cường Hà, xã Đác Wer, huyện Đác R’lấp, với sản phẩm phân bón Trung Vi Lượng loại 25kg, do công ty TNHH SXTM Hợp Long Vina sản xuất, có địa chỉ quận 9, TP Hồ Chí Minh; đại lý Chiến Lợi, xã Nghĩa Thắng, huyện Đác R’lấp, với sản phẩm phân bón NPK hữu cơ vi lượng loại 25kg, do Công ty TNHH SXTMDV Hóa Nông sản xuất, có địa chỉ quận 12, TP Hồ Chí Minh và đại lý phân bón Sơn Trang, xã Quảng Khê, huyện Đác G’long, với sản phẩm phân bón vi lượng chuyên dùng cho cà-phê loại 10kg, do công ty cổ phần phân bón Sao Vàng sản xuất, có địa chỉ quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, sản phẩm của các công ty nêu trên đều vi phạm, có lượng hàng hóa không đúng với thông tin ghi trên bao bì, sai số vượt mức so với quy định, đoàn đã ra quyết định phạt vi phạm hành chính và niêm phong toàn bộ số phân bón này.
Cũng trong các đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón như: Công ty TNHH Công nghệ cao Việt Pháp, Công ty cổ phần Phân bón Đại An, Công ty cổ phần Đất Mỹ, Công ty cổ phần TMDV SX Thiên Phước, cơ sở kinh doanh Nguyên Huệ...đã có hành vi vi phạm, sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, không công bố hợp quy và tiến hành xử phạt hành chính gần 700 triệu đồng.
Trước đó, Báo Nhân Dân có bài phản ánh, sau khi bón phân cao cấp Thiên Phước nhãn hiệu Con Cóc, nhiều diện tích cà phê ở xã Đác Sin, huyện Đác R’Lấp có biểu hiện bất thường như: vàng lá, chết cành, chết cây... không rõ nguyên nhân. Qua kiểm tra, phát hiện Công ty cổ phần TMDV SX Thiên Phước có sai phạm, không công bố hợp quy theo quy định mà vẫn bán ra thị trường hai sản phẩm: Phân bón cao cấp Thiên Phước 16 -16 - 8 + TE và 20-20-15 + TE đa năng. Đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc Công ty này thu hồi toàn bộ số phân bón sản xuất vào ngày 28-5-2015.
Bất cập từ văn bản, xử lý chưa đủ mạnh
Chánh thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đác Nông Nguyễn Đức Tân, nhấn mạnh, kết quả thanh kiểm tra một số sản phẩm phân bón tại các đại lý, doan nghiệp kinh doanh chỉ phản ánh được một phần của vấn đề, trên thực tế các sản phẩm phân bón vi phạm quy chuẩn đo lường chất lượng, phân bón kém chất lượng còn lớn hơn nhiều. Sản phẩm phân bón được nhiều đơn vị sản xuất, bán nhiều nơi, nhiều địa phương với số lượng lớn; trong khi đó, lực lượng chức năng chỉ mới kiểm tra ngẫu nhiên ở một số cơ sở kinh doanh nên không thể kiểm soát hết. Căn cứ trên hóa đơn, chứng từ chỉ là một số lượng rất nhỏ so với lượng phân bón đã bán ra thị trường; khi phát hiện phân bón kém chất lượng, việc thực hiện niêm phong, tiêu hủy, truy thu số tiền phạt hành chính... chỉ là một phần nhỏ và cũng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được quy định cụ thể.
Cũng theo ông Tân, mức xử phạt hiện hành còn thấp, chưa đủ tính răn đe nên một số cơ sở sản xuất, đơn vị kinh doanh vẫn bất chấp quy định của pháp luật, “cố tình” vi phạm để thu lợi bất chính và thiệt hại nặng nề nhất cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phạm Tường Độ cho biết, hiện nay nhiều văn bản hướng dẫn, quy định của các bộ, ngành trung ương còn chồng chéo, không rõ ràng dẫn đến khi phát hiện phân bón kém chất lượng vẫn không thể xử lý. Cụ thể, Thông tư 26/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thì kết quả thử nghiệm chất lượng lần thứ hai là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Trong khi đó, tại khoản 1, phụ lục 14, Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công thương lại quy định, dung sai được chấp nhận khi so sánh kết quả phân tích giữa các phòng thử nghiệm trên cùng một mẫu phân tích đối với cùng một chỉ tiêu khi sử dụng cùng một phương pháp thử tương đương theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, tối đa chỉ ở phạm vi ± 5%. Trên thực tế, kết quả thử nghiệm lần thứ hai có sai số lớn hơn ± 5%, đơn vị vi phạm không chấp nhận kết quả thử nghiệm thì cơ quan kiểm tra không đủ cơ sở để xử lý vi phạm. Mặt khác, quy trình lấy mẫu thử nghiệm chất lượng còn nhiều bước rườm rà, thời gian từ khi lấy mẫu khảo sát thử nghiệm đến lúc có kết quả là quá dài, nên khi có kết quả xác định thì lô phân bón vi phạm đã được bán hết...
Để sớm ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về chất lượng phân bón, ngoài việc kiến nghị các bộ, ngành liên quan sửa đổi một số nội dung của các văn bản hiện hành, các ngành chức năng tỉnh Đác Nông cần có những biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ và kiên quyết hơn nữa như tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, góp phần lập lại trật tự thị trường kinh doanh phân bón, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh ngiệp cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.