Đến nay, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007
Theo Bộ Công Thương, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm hơn, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương, hoạt động hóa chất đã được quản lý chặt chẽ và ngày càng đi vào nền nếp, quy củ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn thi hành luật cũng cho thấy Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Kể từ thời điểm ban hành Luật, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều Luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do, Điều ước quốc tế mới về hóa chất dẫn tới Luật Hóa chất cần thay đổi theo để đảm bảo tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ thành viên công ước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đặc biệt, tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, hóa chất được xác định là ngành công nghiệp nền tảng, được ưu tiên phát triển để đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, cùng với các chủ trương, chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường….
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hóa chất năm 2007.
Lấy ý kiến các bên để có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn
Thực hiện Nghị quyết số 41/2023/NQ-UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, việc xây dựng dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh việc tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định, nhằm có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hồ sơ Dự án Luật đã được Bộ Tư pháp tổ chức họp Hội đồng thẩm định ngày 29/5/2024, Bộ Tư pháp đã Báo cáo thẩm định số 132/BCTĐ-BTP ngày 6/2024. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật.
Ngày 13/6/2024, Chính phủ đã họp cho ý kiến về nội dung của dự án luật và thông qua tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 24/02/2024. Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Đến nay, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bám sát 4 nhóm chính sách
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) bám sát vào 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.
Dự thảo Luật gồm 89 điều và được bố cục thành 10 chương. Các chương được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
a) Chương I. Quy định chung, gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)
Các quy định về nguyên tắc hoạt động hóa chất, các hành vi bị cấm cơ bản kế thừa theo quy định của Luật Hóa chất năm 2007.
Điều 4 của Dự thảo giải thích 32 từ ngữ để thống nhất cách hiểu và xác định đối tượng áp dụng của các quy định tại Dự thảo.
Quy định chính sách của Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp hóa chất theo hướng kế thừa quy định tại Điều 6 Luật Hóa chất năm 2007, đồng thời sửa đổi, bổ sung theo các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được xây dựng trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16 tháng 6 năm 2022.
Điều 8 quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về quản lý hóa chất mà Việt Nam là quốc gia thành viên.
b) Chương II. Phát triển công nghiệp hóa chất, gồm 06 điều (từ Điều 9 đến Điều 14)
- Bổ sung các quy định về yêu cầu đối với nội dung, xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất.
- Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, dự thảo quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng: Bổ sung điều kiện về chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng (việc cấp chứng chỉ cho các đối tượng này thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Xây dựng); điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn hóa chất. Việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, an toàn phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
c) Chương III. Quản lý hoạt động hóa chất, 30 Điều (từ Điều 15 đến Điều 44)
- Hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, sử dụng hóa chất phải đáp ứng các yêu cầu chung về đảm bảo an toàn theo quy định. Dự thảo kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về việc giao Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban Danh mục hóa chất không được sử dụng trong lĩnh vực quản lý. Một số hoạt động đã có các quy định chuyên ngành được dẫn chiếu đến các quy định hiện hành của pháp luật.
- Nhằm kịp thời nắm bắt các hóa chất nguy hiểm mới được đưa vào Việt Nam, Dự thảo quy định tất cả các hóa chất khi nhập khẩu phải được khai báo. Số liệu khai báo sẽ được đồng bộ vào Cơ sở dữ liệu hóa chất và cung cấp trực tiếp cho các Bộ quản lý chuyên ngành.
- Hệ thống các quy định quản lý hóa chất đã được “thiết kế”, sắp xếp lại để đảm bảo sự đồng bộ, phân công, phân cấp rõ ràng, phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất nguy hiểm của hóa chất:
+ Hóa chất có điều kiện: Danh mục hóa chất có điều kiện do Chính phủ ban hành. Hoạt động hóa chất đối với Hóa chất có điều kiện phải tuân thủ các điều kiện về an toàn để giảm thiểu nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe con người, tài sản, môi trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh Hóa chất có điều kiện do tổ chức, cá nhân thực hiện theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp.
+ Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt: Danh mục Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt do Chính phủ ban hành, bao gồm hóa chất cần kiểm soát để thực thi điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên và hóa chất có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, tài sản, môi trường. Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được kiểm soát về kỹ thuật an toàn, phạm vi, loại hình, quy mô, thời hạn sản xuất, kinh doanh và mục đích sử dụng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu do tổ chức thực hiện theo giấy phép do Bộ Công Thương cấp. Việc mua, bán Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân sử dụng Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng trên Cơ sở dữ liệu hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng.
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tồn trữ hóa chất đối với Hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, Hóa chất có điều kiện phải được cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ tồn trữ hóa chất.
+ Hóa chất cấm: Hóa chất cấm được quy định tại Danh mục hóa chất, khoáng vật cấm ban hành theo Luật Đầu tư. Tổ chức, cá nhân không được phép thực hiện hoạt động hóa chất đối với Hóa chất cấm, trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh. Bộ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cấp Giấy phép sản xuất, nhập khẩu Hóa chất cấm cho tổ chức để sử dụng hóa chất cấm. Các hoạt động trong vòng đời Hóa chất cấm phải tuân thủ các điều kiện và quy định nghiêm ngặt.
d) Chương IV. Thông tin hóa chất, gồm 11 Điều (từ Điều 45 đến Điều 55)
Cơ bản kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về đăng ký, đánh giá, quản lý hóa chất mới; thông tin về hóa chất; phân loại, ghi nhãn và bao gói hóa chất; Phiếu an toàn hóa chất; Bảo mật thông tin; Cơ sở dữ liệu hóa chất; Quảng cáo hóa chất. Các nội dung sửa đổi, bổ sung:
- Bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm cung cấp, lưu giữ, cập nhật thông tin phân loại đặc tính nguy hiểm của hóa chất, phiếu an toàn hóa chất để đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trong việc cung cấp và tiếp cận đầy đủ thông tin về hóa chất.
- Để tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu hóa chất (đã được vận hành từ năm 2018) và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, dự thảo giao Bộ Công Thương vận hành, nâng cấp và xây dựng cơ chế chia sẻ, sử dụng thông tin Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các loại báo cáo về hóa chất được thực hiện thông qua Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm đồng bộ, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hóa chất lên Cơ sở dữ liệu hóa chất. Thông tin trên Cơ sở dữ liệu hóa chất được phân cấp, phân quyền cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khai thác, sử dụng cho công tác quản lý nhà nước, điều tra, thanh tra, xử lý vi phạm.
đ) Chương V. Hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa, gồm 3 Điều (từ Điều 56 đến Điều 58)
Các Bộ quản lý ngành công bố hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật cần quản lý. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm chứa nêu trên có trách nhiệm xây dựng quy trình quản lý hóa chất nguy hiểm trong quá trình sản xuất sản phẩm. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm công bố thông tin hàm lượng hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm trên Cơ sở dữ liệu hóa chất. Các quy định trên được xây dựng theo hướng minh bạch thông tin đến công chúng, dựa trên sự tự giác, trách nhiệm xã hội và không phát sinh thủ tục hành chính.
e) Chương VI. An toàn hóa chất, gồm 2 Mục, 13 Điều (từ Điều 59 đến Điều 71)
- Quy định các yêu cầu chung về cơ sở vật chất - kỹ thuật, chuyên môn mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tồn trữ, vận chuyển, sử dụng và xử lý hóa chất phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, an ninh hóa chất.
- Quy định nội dung, thời lượng huấn luyện và năng lực của người huấn luyện an toàn về chuyên ngành hóa chất (trong các chương trình huấn luyện an toàn hiện hành) phải tuân thủ các yêu cầu đặc thù về chuyên ngành do Chính phủ quy định để đảm bảo năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất: phân định cụ thể trách nhiệm thẩm định, phê duyệt Kế hoạch; sửa đổi thời điểm thẩm định Kế hoạch để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục trong quá trình đầu tư, xây dựng và hạn chế tình trạng phát sinh nội dung cần cải tạo, sửa chữa công trình đã xây dựng; bổ sung quy định xây dựng Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong vận chuyển hóa chất nguy hiểm; sửa đổi quy định về trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, ứng phó sự cố để đảm bảo phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự.
- Bổ sung quy định về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh (thời gian qua được thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ). Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc cấp tỉnh (quy định tại Quyết định số 26/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) sẽ được hợp nhất với Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh để tránh trùng lặp trong quá trình thực thi.
g) Chương VII. Bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, gồm 5 Điều (từ Điều 72 đến Điều 76)
- Kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về trách nhiệm bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và an toàn cho cộng đồng, công khai thông tin về an toàn hóa chất, trách nhiệm xử lý hóa chất độc tồn dư của chiến tranh.
- Về xử lý hóa chất độc tồn dư không rõ nguồn gốc, hóa chất, sản phẩm chứa hóa chất độc bị tịch thu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xây dựng phương án xử lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện phương án xử lý.
- Bãi bỏ quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động hóa chất do đã được quy định trong pháp luật về bảo hiểm.
h) Chương VIII. Quản lý nhà nước về hóa chất, gồm 10 Điều (từ Điều 77 đến Điều 86)
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất. Các Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về hóa chất trong phạm vi chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình.
- Kế thừa quy định tại Luật Hóa chất năm 2007 về trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp; bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động hóa chất; xây dựng nội dung về phát triển công nghiệp hóa chất trên địa bàn; tổ chức triển khai các nhiệm vụ theo phân công, phân cấp.
i) Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 Điều (Điều 87 đến Điều 89)
Quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến lĩnh vực hóa chất; về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) cũng quy định 12 nhóm thủ tục hành chính (TTHC), trong đó: 4 nhóm TTHC mới, 6 nhóm TTHC sửa đổi, bổ sung, 2 nhóm TTHC giữ nguyên. Trong quá trình thực hiện Luật Hóa chất (sửa đổi), 9 nhóm TTHC hiện nay trong lĩnh vực hóa chất sẽ được bãi bỏ.
"Như vậy, mặc dù có phát sinh thêm TTHC mới nhưng số TTHC trong lĩnh vực hóa chất sẽ giảm đi 5 nhóm so với hiện nay. Các TTHC được nghiên cứu, xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, đơn giản hóa quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin",Bộ Công Thương nhấn mạnh.