Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân “càng sớm càng hay”

08:51 SA @ Thứ Năm - 03 Tháng Mười Một, 2011
“Luật Thuế thu nhập cá nhân phải sửa sớm chừng nào hay chừng đấy chứ không thì người lao động không chịu nổi”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, chiều 2/11.

Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại phiên họp buổi sáng cùng ngày gồm 96 dự án thuộc chương trình chính thức và 38 dự án thuộc chương trình chuẩn bị.

Bên cạnh một số ý kiến băn khoăn về số lượng hơi nhiều, nhiều vị đại biểu đều bày tỏ sự quan ngại về chất lượng các dự án luật đã được ban hành, trong khi cả về cách thức và đầu tư vật chất cho công tác xây dựng pháp luật tại nhiệm kỳ này đều chưa có sự đổi mới.

Một ví dụ điển hình được đại biểu Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh là Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 1/1/2009 với quy định mức giảm trừ gia cảnh là 4 triệu đồng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc.

Với 4 triệu bây giờ thì sống làm sao mà lại còn đóng thuế nữa, ông Tùng nói. Cũng theo ông Tùng thì luật tiền lương tối thiểu cũng cần ra đời sớm chừng nào hay chừng đó để tháo gỡ khó khăn cho người lao động.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 đã được Quốc hội quyết định thì Luật thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ tư (cuối 2012).

Luật Tiền lương tối thiểu cũng nằm trong chương trình chính thức của Quốc hội khóa 13 cùng với 22 dự án luật khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội.

Dẫn đầu về số lượng với 27 dự án luật là lĩnh vực dân sự, kinh tế. Trong đó có một số dự án luật sẽ được sửa là Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật kinh doanh bất động sản…

Một số dự án luật mới là Luật đầu tư công, mua sắm công; quản lý giá, quy hoạch…

18 dự án luật được dự kiến trong lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị có Luật hoặc nghị quyết sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, Luật Thủ đô; Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)…

Riêng với lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân, so với đề nghị của Ủy ban Pháp luật tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không còn dự án Luật Biểu tình tại chương trình chính thức.

Dự án luật này được Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần phải ban hành, cũng đã được một số vị đại biểu đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2012 khi thảo luận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13.

Tại tờ trình Quốc hội sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cùng với một số dự án luật khác, Luật Biểu tình sẽ được đưa vào chương trình chuẩn bị và sẽ xem xét đưa vào chương trình hàng năm khi đã có đủ điều kiện quy định.

Trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cho rằng, cần ưu tiên cho các dự án luật nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho tái cơ cấu nền kinh tế, vấn đề cấp thiết hiện nay.

Theo nghị trình, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13 sẽ được thảo luận tại hội trường vào sáng 17/11.
Nguồn: