"/>
Năm 2014, dự kiến nhu cầu sử dụng phân bón là 10,425 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước đáp ứng được gần 8 triệu tấn. Tuy nhiên, điều lo ngại là phân bón kém chất lượng xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều.
Tăng cường kiểm tra, quản lý
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh phải tăng cường công tác quản lý địa bàn theo quy định, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng từ ngày 20/3 - 20/5... Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện quy định về nhãn hàng hóa, giá bán và niêm yết giá, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng... Chi cục đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường phải phân công kiểm soát viên tăng cường công tác quản lý địa bàn phụ trách, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường; giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón; xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra đột xuất khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kiểm tra việc chấp hành các điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón; quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, các quy định về hóa đơn, chứng từ, ghi nhãn hàng hóa; vi phạm sở hữu trí tuệ và chưa có tên trong Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam...
Đồng thời, phối hợp kiểm tra với giáo dục, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tác hại của phân bón giả, phân bón kém chất lượng để nâng cao nhận thức của người dân, từ đó không tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
Sẽ có quy định chi tiết về tiêu chuẩn kỹ thuật cho phân bón
Theo các chuyên gia, phân bón giả có “đất sống” một phần do công tác quản lý còn nhiều kẽ hở. Cụ thể, việc cấp phép quá đơn giản khiến nhiều cơ sở nhỏ, lẻ chưa có đủ điều kiện vẫn được tham gia sản xuất. Việc quản lý phân bón theo danh mục không còn phù hợp khi có tới hơn 5.000 loại phân bón trong danh mục. Hơn nữa, do hệ thống sản xuất phân bón phân bố chưa hợp lý, các vùng, miền có nhu cầu lớn như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên không có nhà máy sản xuất phân bón lớn khiến chi phí vận chuyển cao, tạo điều kiện cho sản phẩm kém chất lượng, giá thành rẻ có cơ hội cạnh tranh trên thị trường.
Để Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng các sản phẩm phân bón thực sự đi vào cuộc sống, tháng 3 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định. Dự kiến, trong tháng 4, Thông tư quy định chi tiết về các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nghị định sẽ ra đời. Nội dung bao gồm: Điều kiện về sản xuất phân bón; điều kiện kinh doanh phân bón; điều kiện nhập khẩu phân bón và các điều kiện về công bố các phòng thí nghiệm đủ điều kiện để phân tích phân bón. (Bộ Công Thương được giao quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật của phân vô cơ).
Với các quy định của Nghị định này, ngành phân bón đã trở thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Riêng với phân bón nhập khẩu, cùng với Nghị định 202/2013/NĐ-CP và Nghị định 163/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón thì phân bón giả trên thị trường chắc chắn sẽ giảm mạnh.
Theo các chuyên gia, ngoài hệ thống pháp lý, Chính phủ cần quy hoạch lại hệ thống nhà máy sản xuất, hệ thống cung ứng và hệ thống cảng nhập phân bón một cách hợp lý, tiện lợi nhất cho vận chuyển và giảm chi phí.