Tập đoàn nhà nước phải tập trung vào ngành chính
01:51 CH @ Thứ Hai - 12 Tháng Mười Hai, 2011
Ngày 9/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Hoàng Trung Hải đã đồng chủ trì Hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đến nay đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm thành lập, trong đó có 11 tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập, 1 tập đoàn kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cổ phần hóa và thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế, ủy quyền cho Bộ Tài chính thành lập công ty mẹ.
Hiện nay, 11 tập đoàn kinh tế nhà nước đang nắm giữ tới 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Nếu tính trong tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế, 11 tập đoàn kinh tế nhà nước chiếm tới 10% tổng giá trị tài sản, trên 14% tổng số vốn chủ sở hữu và 7,6% lao động hợp đồng dài hạn.
Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước đều được xây dựng trên nền tảng của các Tổng công ty 91 thành lập trước đây, chiếm lĩnh vị trí thống lĩnh thị trường ở những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích rõ thực trạng về thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là phân tích những hạn chế còn tồn tại như khung pháp luật về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước; về thực hiện các mục tiêu thành lập tập đoàn kinh tế nhà nước; cơ cấu, quản lý, điều hành trong các tập đoàn kinh tế nhà nước; quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước…
Theo đó, khung pháp luật về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước đã được hình thành theo phương thức thận trọng, từng bước, “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” với việc ban hành các văn bản pháp quy điều chỉnh từng tập đoàn kinh tế nhà nước và thực hiện sơ kết sau 3 năm thực hiện thí điểm.
Tuy vậy, khung pháp luật liên quan đến tập đoàn kinh tế nhà nước chưa tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ, nhất quán; chưa đầy đủ, theo kịp với đặc điểm, thực tiễn hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước.
Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước được thí điểm đều có quy mô lớn, xét về quy mô vốn điều lệ và tài sản. Đồng thời, quy mô của các tập đoàn kinh tế tăng khá nhanh nhưng chưa có tập đoàn kinh tế nhà nước nào được xếp hạng tầm khu vực và quốc tế.
Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với những ưu đãi về nguồn lực và những lợi thế khác.
Thực trạng tài chính của một số tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất cân đối tài chính. Mặc dù các tập đoàn kinh tế nhà nước có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện vai trò công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước còn hạn chế.
Một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã bước đầu vươn ra đầu tư mạnh ở nước ngoài, chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, thương hiệu ngày càng được khẳng định, góp phần tạo dựng được hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, nhưng nhìn chung thị phần của các tập đoàn kinh tế nhà nước trên thị trường các nước trong khu vực và thế giới vẫn còn nhỏ.
Việc quản lý, giám sát hoạt động các tập đoàn kinh tế nhà nước còn một số yếu kém, như chưa tách bạch được chức năng của sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; cách thức giám sát, đánh giá của chủ sở hữu còn mang tính hình thức; hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các tập đoàn kinh tế nhà nước phục vụ công tác giám sát còn hạn chế, thông tin không đầy đủ và cập nhật…
Từ thực trạng trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên một số kiến nghị giải pháp như tạm dừng việc thí điểm thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập; đẩy mạnh tái cấu cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới và hoàn thiện hoạt động quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; cải thiện quản trị doanh nghiệp và minh bạch hóa đối với tập đoàn kinh tế nhà nước…
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các Tập đoàn Bưu chính viễn thông, Than-Khoáng sản Việt Nam, Điện lực, Viễn thông Quân đội; hóa chất… đều khẳng định những đóng góp của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời cũng nêu lên những khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, nhất là khung pháp luật liên quan đến tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có một số nội dung chưa được cụ thể, chi tiết hoặc chưa có hướng dẫn gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.
Lãnh đạo EVN kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản pháp lý để tạo hành lang pháp luật cho các tập đoàn hoạt động theo các quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó cần cụ thể hóa các nội dung mà Luật doanh nghiệp đề cập chưa rõ trong đó có vấn đề đăng ký doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến thành lập, tổ chức hoạt động, quản lý, giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh gái hiệu quả hoạt động của tập đoàn.
Lãnh đạo nhiều tập đoàn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế; lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước khẳng định sự ủng hộ chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước…
Từ thực tiễn hoạt động, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm trong đảm bảo hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó nhấn mạnh việc phải xây dựng được chiến lược hoạt động của tập đoàn và những người xây dựng chiến lược phải là những người trực tiếp thực hiện chiến lược; đảm bảo tuyệt đối vai trò lãnh đạo của của Đảng tại các tập đoàn, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật lao động, công tác quản lý, giám sát có hiệu quả đối với vốn, tài sản đầu tư tại các doanh nghiệp trong tập đoàn; quan tâm tới ứng dụng công nghệ cao; thực hiện mục tiêu kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội…
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ mục đích của Hội nghị nhằm đưa ra các giải pháp để tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong thời gian tới, nhất là đóng góp vào Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp sắp được phê duyệt, để các tập đoàn làm tốt hơn vai trò của Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là để các tập đoàn thực hiện hiệu quả vai trò chủ đạo trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao năng lực cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước như xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao, góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các dự án trọng điểm của Nhà nước phục vụ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dài hạn của đất nước, những dự án lớn hoặc có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không đủ khả năng làm. Từ đó, năng lực, trình độ của nhiều cán bộ quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật được nâng lên, chuyên nghiệp hơn…
Bên cạnh những kết qủa tích cực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục về một số cơ chế, chính sách ban hành chậm, một số tập đoàn đầu tư hiệu quả kinh doanh thấp so với nguồn lực được giao, đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp…
Về mục tiêu trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu là kiên trì xây dựng các tập đoàn mạnh nhằm thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao, góp phần vào đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của đất nước, đồng thời sản xuất kinh doanh phải có hiệu quả.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát khung pháp luật hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, nhất là cơ chế thực hiện, mô hình chủ sở hữu nhà nước, làm rõ trách nhiệm trong hội đồng quản trị và bộ quản lý ngành về kế hoạch, điều hành, quản lý vốn, thanh kiểm tra, quản lý cán bộ; nghiên cứu tổ chức Đảng tại doanh nghiệp, cơ chế quản trị tại doanh nghiệp…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong quý 1 năm 2012, các Bộ, ngành chức năng phải hoàn thành mô hình sắp xếp của các tập đoàn kinh tế nhà nước theo hướng tập trung vào ngành nghề chính mà Chính phủ giao.
Theo đó, rà soát lại quản trị điều hành đối với những lĩnh vực mà nhà nước giữ 100%, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ theo đúng các phương án đã được phê duyệt, rút vốn kinh doanh ngoài ngành nghề chính, giải thể hoặc chuyển giao những doanh nghiệp thua lỗ kéo dài…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tập đoàn kinh tế nhà nước xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng tập trung vốn vào ngành nghề chính, quy chế quản lý nội bộ, trước hết là rà soát sửa đổi điều lệ hoạt động, quy chế tài chính và cán bộ, phân định chức năng của hội đồng quản trị với tổng giám đốc./.