Thị trường phân bón khi vào TPP: Nhà nông lợi, DN “bất an”

09:25 SA @ Thứ Ba - 31 Tháng Năm, 2016

Với việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thị trường phân bón sẽ càng phong phú hơn để người nông dân lựa chọn các sản phẩm chất lượng, giá thành hạ. Tuy vậy đây cũng là áp lực lớn cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón trong nước…

Thông tin trên được Bộ Công Thương đưa ra tại Hội thảo quốc tế về “Thị trường phân bón NPK Việt Nam 2016” diễn ra tại TP.HCM trong 2 ngày 25 và 26.5.

Áp lực cạnh tranh gay gắt

Ông Vũ Đức Minh Hiếu - chuyên gia về phân tích thị trường phân bón Việt Nam cho biết, lượng cung phân bón luôn cao hơn nhu cầu từ 1-1,2%. Cụ thể, chỉ tính đến mặt hàng phân urê, tổng sản lượng phân urê tại Việt Nam năm 2015 đạt hơn 2,9 triệu tấn, vượt xa nhu cầu mà ngành nông nghiệp cần để sản xuất (chỉ khoảng 2,2 triệu tấn). Trong khi đó, lượng phân urê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 chỉ chưa đầy 200.000 tấn. Như vậy, có thể thấy dư cung đối với riêng phân urê đã lên tới hơn 500.000 tấn.
Riêng NPK thì vẫn nhập khẩu gần 4 triệu tấn dù sản xuất trong nước đang dư thừa rất nhiều.

“Nhu cầu phân bón ngắn hạn trong 5 năm tới chỉ khoảng 1,5 đến 2% song nguồn cung lại tăng hơn 4,1% do nhiều nhà máy đi vào sản xuất, chính vì vậy giá cả trong ngắn hạn dự kiến sẽ giảm gây khó khăn cho sản xuất trong nước” - ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, lượng phân bón nhập vào Việt Nam vẫn chủ yếu từ Trung Quốc (trên 50% tổng lượng nhập khẩu). Tuy nhiên, hiện nay thị phần nhập khẩu từ Trung Quốc đã sụt giảm so với những năm trước đó. Thay vào đó, Indonesia và Malaysia nổi lên với kim ngạch xuất khẩu vào Việt Nam tăng mạnh. Cụ thể, tính đến hết quý I năm nay, tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt gần 75.000 tấn, trong đó hơn một nửa là từ Indonesia và Malaysia.
Cuộc “đổ bộ” của thị trường ASEAN ngày càng gay gắt khiến các DN sản xuất phân bón trong nước cực kỳ áp lực. Đại diện một DN sản xuất phân bón đóng tại tỉnh Bình Dương nói, hiện nay Luật Thuế GTGT sửa đổi đưa phân bón về danh mục không chịu thuế GTGT khiến các DN trong nước không được hoàn thuế đầu vào, gián tiếp nâng chi phí sản xuất dẫn đến tăng giá thành.

“Chính vì không được hoàn thế khiến giá phân urê từ Indonesia và Malaysia có lợi thế cạnh tranh về giá không nhỏ so với các DN trong nước. Trên thực tế, giá bán urê Indonesia và Malaysia tại TP.HCM hiện tại chỉ 5.800 - 6.000 đồng/kg, thấp hơn so với phần lớn các nhà sản xuất trong nước” - DN này than thở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Thanh- đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), thừa nhận, hiện nay việc quản lý phân bón cũng khá khó khăn, nhất là với thị trường NPK vì trong nước hiện có khoảng 5.000 mã sản phẩm nhưng riêng NPK cũng đã có trên 2.000 sản phẩm. Tuy nhiên, do có khá nhiều DN “cuốc xẻng” nên tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường.

“Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng chủ yếu được tiêu thụ ở vùng sâu, vùng xa thuộc các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long… gây thiệt hại cho nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỷ USD/năm” - ông Thanh nói.

Doanh nghiệp nước ngoài “thích mê” thị trường Việt

Tại hội thảo, đại diện nhiều DN nước ngoài đều thắc mắc về các chính sách của Việt Nam trong việc đầu tư sản xuất và kinh doanh phân bón. Một đại diện của Malaysia thắc mắc, việc có trên 2.000 sản phẩm NPK thì việc quản lý chất lượng ra sao, có quy chuẩn chất lượng chung như thế nào? Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, hiện chưa có sự thống nhất về quy chuẩn chất lượng của NPK nhưng chắc chắn cuối năm nay sẽ có để có thể quản lý chất lượng dòng sản phẩm này.

Một đại diện của Indonesia cũng thắc mắc về Chính phủ có quy định điều khoản nào về phát triển các loại phân bón mới không? Liên quan đến thắc mắc này, ông Thanh nói tuy Việt Nam có quy định về hàng rào công nghệ đối với các sản phẩm mới nhưng cũng rất hoan nghênh các DN sản xuất các sản phẩm phân bón trong nước chưa sản xuất được, sản phẩm công nghệ cao và có các chính sách ưu đãi riêng cho các DN này.

Khá nhiều DN đến từ các quốc gia khu vực ASEAN cũng quan tâm đến hiệu suất sử dụng phân bón của nông dân Việt Nam hiện nay để có chiến lược sản xuất và kinh doanh phân bón phù hợp. Về vấn đề này, ông Trịnh Khắc Quang - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, phân bón chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất của nhà nông. Tuy nhiên, hiện nay hiệu suất sử dụng phân bón chỉ đạt từ 45-50%. Vì vậy, hy vọng sẽ có nhiều nguồn phân bón chất lượng tốt, giá rẻ đến từ các DN nước ngoài để giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn./.

Năm 2015, theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của Việt Nam đạt hơn 4,5 triệu tấn (tăng 118% so cùng kỳ năm 2014). Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến mặt hàng phân urê, với mức tăng 304% bất chấp thực tế sản xuất trong nước kể từ cuối 2012, đã hoàn toàn có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu cho nông nghiệp.

Nguồn: