Thị trường phân bón trong nước còn nhiều bất ổn

08:47 SA @ Thứ Tư - 14 Tháng Mười Hai, 2011
Thông tin tại Hội thảo về “Bỏ bao cấp, ưu đãi, bình đẳng, bình ổn trong ngành phân bón Việt Nam,” tổ chức ngày 13/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy thị trường phân bón Việt Nam còn nhiều bất ổn do tình trạng phân bón giả, kém chất lượng diễn ra phổ biến, giá phân từ nhà máy đến tay người tiêu dùng chênh lệch quá nhiều.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tại năm 2011 sản xuất và nhập khẩu phân bón cả nước ước đạt khoảng 9,8 triệu tấn phân bón các loại, tăng 10,26% so với năm 2010; trong đó sản xuất trong nước đạt 5,645 triệu tấn.

Về cơ bản, thị trường phân bón vẫn đảm bảo đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng lúa và các loại cây trồng khác đạt mức cao nhất từ trước tới nay ở mức 41,5 triệu tấn lúa. Năm 2012 dự báo cả nước cần khoảng 9,88 triệu tấn phân bón các loại, trong đó khả năng sản xuất trong nước là 7,25 triệu tấn.

Mặc dù khả năng sản xuất khá lớn như vậy, nhưng theo Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy, tình hình phân bón giả vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số thương nhân lợi dụng hạn hán, thiếu nước ở Tây Nguyên đã lấy nước lã đóng thùng 5lít cho vào một ít urê bán cho nông dân và quảng cáo là urê nước (giá bán 50.000 đồng/bình).

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện Công ty Hưng Thịnh, Công ty Nam Bắc, Công ty Khổng Minh, Công ty Tân Khang ở Bình Thuận, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn quốc tế Năm Sao. Kể cả phân bón nhập khẩu cũng bị làm giả và nhái bao bì như phân kali của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty cổ phần vật tư nông sản, Công ty cổ phần vật tư kỹ thuật Cần Thơ, Công ty xuất nhập khẩu Vinacam.

Đặc biệt là các vụ làm giả phân kali của Công ty TSC Cần Thơ được phát hiện hồi tháng Tư và tháng Tám vừa qua, khi cơ quan chức năng kiểm tra phân tích thì phân bón chỉ có muối ăn và phẩm màu. Hoặc một vụ sản xuất phân kali giả của Công ty TSC với quy mô lớn tại quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xử lý được.

Ông Nguyễn Hạc Thúy còn cảnh báo, tình trạng sản xuất, đóng gói phân bón giả hiện nay rất tinh vi, tổ chức làm hàng giả trên xe tải 20 tấn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền Lê Quốc Phong còn cảnh báo gần đây nạn hàng giả xuất hiện rất nhiều, các doanh nghiệp không chỉ làm giả phân NPK mà giả cả kali bởi mặt hàng kali dễ làm giả, chỉ cần mua gạch non về nghiền trộn với muối và màu là có hàng bán ra thị trường.

Trước những bức xúc này, ông Võ Văn Quyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý Thị trường thuộc Bộ Công thương, cho biết, mỗi năm Cục xử lý trên 300 vụ liên quan đến chất lượng, giả nhãn hiệu. Các vi phạm chủ yếu là giả nhãn mác của công ty lớn, giá niêm yết…, hầu hết doanh nghiệp vi phạm là cơ sở nhỏ, thiết bị sản xuất thô sơ. Do đó, ông Quyền cho rằng cần phải siết chặt kiểm tra, giám sát các cơ sở nhỏ này, cũng như có quy định mới về điều kiện sản xuất với đầu tư, quy mô như thế nào mới được sản xuất.

Ông Quyền cũng kiến nghị, Nhà nước cần điều chỉnh đưa phân bón trở thành mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện và được cấp phép. Mức xử phạt hiện nay quá thấp, 40-50 triệu đồng không đủ sức răn đe, thường xuyên tái phạm, nên cần phải có các biện pháp khác như đình chỉ sản xuất, ngừng cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp vi phạm.

Ông Lê Quốc Phong cho biết do có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ mọc lên như "nấm sau mưa," làm ăn chụp giật, sản xuất, kinh doanh hàng giá rẻ, chất lượng thấp để đưa vào vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Nhiều nông dân ham giá rẻ mua về sử dụng, chỉ một mùa phát hiện hàng kém chất lượng nên không mua nữa. Ngay sau đó, để bán được hàng các doanh nghiệp này lại thay đổi thương hiệu khác để tiếp tục tung hàng thị trường.

Thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, thời gian qua phân bón từ phía Bắc đưa vào thị trường phía Nam tiêu thụ với số lượng lớn. Nguồn hàng này chủ yếu nhập lậu, có chất lượng không ổn định với giá thấp hơn nhập chính thức từ 1-2 triệu đồng/tấn, khi đưa vào thị trường nội địa, họ bán thấp hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg nên tiêu thụ khá chạy.

Hiện nay mỗi ngày tại khu vực các tỉnh miền Tây tiêu thụ từ 1.000-3.000 tấn phân bón các loại urê, DAP, kali từ nguồn hàng này. Nguồn phân bón lậu này cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp phân bón trong nước ngày càng gay gắt đẩy giá phân bón trong nước xuống thấp (giảm khoảng 20% so với tháng Chín) làm cho doanh nghiệp phân bón lỗ nặng. Do cạnh tranh không lại hàng lậu, nên doanh nghiệp không dám nhập khẩu phân bón để cung cấp cho thị trường cuối năm cũng như đầu năm sau. Nếu nguồn hàng lậu này bị đứt thì thị trường phân bón sẽ thiếu hụt, dẫn đến việc giá cả sẽ tăng cao.

Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TSC Cần Thơ, cho biết do nguồn hàng nhập lậu này mà công ty không tiêu thụ được 27.000 tấn kali đã nhập khẩu từ tháng Chín vừa qua, doanh nghiệp đang "sống dở chết dở" với lượng phân bón nhập về đang nằm trong kho, thuế đã nộp hơn 10 tỷ đồng, vốn tồn đọng với kho hàng nằm đó.

Không chỉ bất ổn về tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết giá phân bón hiện nay vẫn còn bất ổn. Giá từ doanh nghiệp giao xuống đại lý chỉ chênh lệch vài trăm đồng/kg, nhưng khi đại lý bán đến tay nông dân thì mức giá chênh lệch này đẩy lên cao ngất ngưởng đến vài ba ngàn đồng/kg do có nhiều tầng nấc trung gian. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền đã xuất hiện nhưng chưa được kiểm soát những hành vi đầu cơ, găm hàng làm tăng giá, giảm khả năng cạnh tranh.

Với thực trạng nêu trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết trong công văn về cân đối và đảm bảo phân bón cho vụ đông xuân 2011-2012 và cả năm 2012 gửi các Bộ và Hiệp hội ngày 8/12 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức mạng lưới phân phối hiệu quả, hạn chế trung gian, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức; tăng cường kiểm tra chất lượng phân bón, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng./.
Nguồn: