"/>
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu DNNN. Vì chỉ có thoái vốn mới đẩy nhanh được quá trình cổ phần hóa DN. Dù khó khăn cũng phải làm vì để càng lâu càng lỗ, càng thất thoát. Việc thoái vốn sẽ giúp bù lại những khoản chi âm, giảm nợ công.
Theo số liệu mới công bố, các khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ước khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong ba năm qua quá “ì ạch”. Tổng số vốn mà các DN rút về chỉ có 4.164 tỷ đồng (khoảng 20%).
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc bảo toàn nguồn vốn là điều không thể, nhất là khi nhiều DN đang trong tình trạng thua lỗ. Thêm vào đó, thị trường chứng khoán, bất động sản... dù có biến chuyển nhưng chưa “khởi sắc”.
Chỉ đạo mới đây của Chính phủ trong việc đẩy nhanh cổ phần hóa DN là cho phép thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN nhưng với điều kiện các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tổn thất, các khoản đầu tư tài chính. Đã có nhiều ý kiến lo ngại việc thoái vốn dưới giá trị khiến cho các khoản đầu tư sẽ bị định giá rất thấp. Ngược lại, một số ý kiến cho rằng giá trị thật của thị trường sẽ được lập lại trật tự vốn có của nó thông qua quá trình “thuận mua vừa bán”. Nhưng dù thế nào thì cơ chế này vẫn mang lại lối thoát cho DN.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề còn lại là làm sao để công tác định giá tiến hành công khai, minh bạch. Cùng với đó, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính, phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh tiêu cực khi các DN thoái vốn, đồng thời phải nâng cao sự quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu.
Một vấn đề khác đặt ra: Việc thoái vốn dưới giá trị có thể “kích cầu” các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, theo quan điểm của GS TS. Ngô Thế Chi- Giám đốc Học viện Tài chính- nhà nước cần có những quy định chặt chẽ trong việc “mua - bán”, cụ thể hơn, nên quy định DN nước ngoài mua bao nhiêu %, nhằm tránh sự thâu tóm không có lợi cho kinh tế Việt Nam.