"/>"/>

Thuế VAT: Mỗi nơi áp dụng một kiểu

10:21 SA @ Thứ Hai - 10 Tháng Ba, 2014

“Cùng một quy định nhưng do cách hiểu, cách áp dụng khác nhau giữa các Cục thuế địa phương khiến doanh nghiệp (DN) gặp không ít khó khăn”- đó là ý kiến được DN phản ánh tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM với các DN trên địa bàn.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Dũng - cho biết, mặt hàng mủ cao su đã qua sơ chế như mủ cờ-rếp, mủ tờ, mủ cốm công ty ông mua từ các DN ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước đều được đối tác cộng thuế giá trị gia tăng (VAT) 5%, áp dụng từ ngày 1/1/2014. Các DN này viện dẫn quy định về mức thuế suất theo khoản 6, điều 10 của Thông tư 219/2013/TT-BTC nêu đích danh mặt hàng mủ cao su đã qua sơ chế. Bản thân các Cục Thuế Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương cũng khẳng định điều này.

Tuy nhiên, khi Công ty Hoàng Dũng liên hệ Cục Thuế TP.HCM để được hoàn thuế thì lại bị từ chối với lý do mặt hàng kể trên không phải kê khai, tính nộp thuế VAT. Cơ sở mà Cục Thuế TP. HCM đưa ra là khoản 5, điều 5 cùng thông tư kể trên.

Không riêng trường hợp của Hoàng Dũng mà rất nhiều DN kinh doanh xuất khẩu mặt hàng mủ cao su tại TP.HCM đang gặp vướng mắc đối với trường hợp nêu trên. Tính riêng từ đầu năm tới nay, rất nhiều DN đã phải kê khai, nộp thuế VAT cho mặt hàng này với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Đối với Công ty Hoàng Dũng, số thuế VAT cần được hoàn từ 1/1 đến nay là trên 8,2 tỷ đồng và hiện tại vẫn chưa được Cục Thuế TP.HCM giải quyết hoàn thuế.

Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM, DN, hợp tác xã nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm mủ cao su chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế VAT. Trên hóa đơn VAT ghi dòng giá bán là giá không có thuế VAT, dòng thuế suất và thuế VAT không ghi, gạch bỏ.

Trong trường hợp, mặt hàng không thuộc đối tượng không phải kê khai nộp thuế VAT nhưng DN đã tính với thuế suất 5% thì dù đã tính nhưng chưa nộp thuế hay đã tính và nộp thuế rồi đều xử lý giống nhau, hai bên mua, bán sẽ lập biên bản, bên bán lập hóa đơn điều chỉnh là hóa đơn đã xuất thuế suất 5% trên cơ sở hóa đơn đã được điều chỉnh để không tính thuế, bên mua sẽ không kê khai, khấu trừ và hoàn thuế đối với hóa đơn đầu tiên của 5% và bên bán cũng sẽ không phải kê khai nộp thuế với thuế suất 5%. Đối với trường hợp DN đã nộp thuế rồi thì coi như đó là phần thuế nộp thừa sẽ được xử lý cấn trừ vào quý tiếp theo hoặc được hoàn thuế. Liên quan đến vướng mắc của DN, bà Trần Thị Lệ Nga cho biết, Cục Thuế TP.HCM sẽ ghi nhận ý kiến của DN và có văn bản báo cáo Tổng cục Thuế để Tổng cục Thuế hướng dẫn rõ hơn về quy định này cho tất cả các Cục Thuế địa phương đều biết.

Ngoài thuế VAT, nhiều DN còn nêu vướng mắc thuế nhà thầu và các quy định liên quan đến chuyển nhượng vốn, hóa đơn chứng từ… Cụ thể, Công ty Luật TNHH Đỉnh Nghiệp cho rằng, việc áp dụng thu nhập từ chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH với thu nhập chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần hiện nay là không bình đẳng. Theo lý giải của DN này, trong khi cá nhân chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần được phân loại thành chuyển nhượng chứng khoán và tạm nộp thuế suất 0,1%, cuối năm không cần quyết toán thuế theo thuế suất 20%, còn cổ đông công ty TNHH khi chuyển nhượng vốn lại phải nộp thuế trong mười ngày với thuế suất 20%, gấp 200 lần.

Giải đáp thắc mắc trên, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho rằng, vấn đề trên đã được quy định trong luật, nghị định và thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, Cục Thuế TP.HCM sẽ tiếp nhận ý kiến để báo cáo với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính.

Nguồn: