Các đơn vị sản xuất “chui” tha hồ tung ra hàng loạt các loại thuốc bảo vệ thực vấn đã bị cấm, hoặc thuốc giả các nhãn hiệu có tiếng kiếm lời phi pháp.
Chiều 12/9, Tổ chức CropLife (trực thuộc EuroCham) đã tổ chức Hội thảo về thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp tại TP. HCM. Đây là sự kiện mở đầu cho Tuần lễ Chống hàng giả (ACF) diễn ra từ ngày 12 – 16/9 nhằm nâng cao ý thức và tìm các giải pháp trong công tác phòng chống loại sản phẩm nguy hại này.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 30.000 cở sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, chưa kể các đơn vị sản xuất, sang chiết, đóng gói. Tuy nhiên, mỗi năm Thanh tra Cục bảo vệ thực vật chỉ có thể thanh kiểm tra tối đa 50% tổng số đơn vị kinh doanh. Trong số 15.000 đơn vị kinh doanh được kiểm tra phát hiện từ 12 – 14% cơ sở vi phạm.
Bà Phùng Mai Vân, Phó Chánh Thanh tra Cục Bảo vệ thực vật cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có chiều hướng tăng cao (chủ yếu là phía Nam) với 17 trường hợp vi phạm đã được phát hiện.
Các trường hợp được phát hiện chủ yếu là vi phạm về kinh doanh không có chứng chỉ hành nghề, không đủ các điều kiện kinh doanh, không quầy hàng, quảng cáo bừa bãi không thông qua các cơ quan chức năng… chiếm khoảng 60 – 65% tổng số các trường hợp vi phạm.
Đối với trường hợp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp như kinh doanh thuốc cấm, thuốc giả, thuốc nhái, thuốc ngoài danh mục, thuốc vi phạm nhãn mác, thuốc không rõ nguồn gốc… chiếm từ 35 – 40% các trường hợp còn lại. Tuy nhiên, hình thức vi phạm này vô cùng phức tạp và tinh vi, không khó qua mặt các cơ quan chức năng nên dễ dàng tuồn ra ngoài thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nông dân.
Ông Robert Hulme, Chủ tịch CropLife Việt Nam cho rằng, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bất hợp pháp là hình thức coi thường pháp luật, đi ngược lại lợi ích người nông dân, có thể gây hại khôn lường đối với hệ sinh vật, phá hủy những cánh đồng, gây hại cho cả nền kinh tế nhất là đối với những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu nông nghiệp cao như Việt Nam.
Biện pháp tốt nhất tại Việt Nam, theo các chuyên gia là phối hợp giữa các công ty nghiên cứu, nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh, cảnh sát, hải quan dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý thuộc Chính phủ. Ngoài ra, các nhà sản xuất cần thực thi quyền sở hữu trí tuệ, từng bước minh bạch trong thương mại mặt hàng này.
Về phía Cục Bảo vệ thực vật, bà Vân cho hay, Cục đang sửa đổi Thông tư 38, sau khi được thông qua (dự kiến đầu năm 2012), Cục sẽ tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và thường xuyên với từng loại cơ sở kinh doanh./.