Tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất

10:59 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Bảy, 2012
Trước tình trạng sản xuất của nhiều DN bị đình đốn, lượng hàng tồn kho tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để khơi thông sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành Công Thương trong 6 tháng cuối năm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết thị trường hàng hoá trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hoá trên thị trường đảm bảo, tuy nhiên tiêu dùng chững lại do kinh tế gặp khó khăn, hàng hoá khó tiêu thụ, giá giảm. Vì vậy Bộ xác định phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời về tình trạng các thương nhân nước ngoài đang thu mua gom nông sản của Việt Nam, sau đó đột ngột dừng mua, khiến thị trường diễn biến bất thường, bà con nông dân bị thiệt hại nặng nề, đại diện của Bộ Công Thương thừa nhận, tình trạng này không chỉ diễn ra từ vài tháng gần đây mà đã từ những năm trước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện tượng này chủ yếu trong thời gian qua các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng con đường du lịch để vào Việt Nam thu mua nông sản trái phép. Để hạn chế, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền rộng rãi cho bà con nông dân ở địa phương hiểu rõ quy định của pháp luật Việt Nam, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản.

Ngoài ra, theo bộ Công Thương các DN Việt Nam cũng cần mở rộng mạng lưới phân phối, thu mua đến sát các hộ sản xuất, tạo điều kiện cho bà con bán được nông sản với giá có lợi.

Còn với các thương nhân nước ngoài, nếu thương nhân nào không thực hiện theo đúng quy định, pháp luật kinh doanh của Việt Nam thì phải xử lý.

Liên quan tới vấn đề mặt hàng đường đang tồn kho cao, nhiều DN chế biến có nhu cầu tiêu thụ đường cao lại không mua được, đại diện Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, trong tháng 6/2012, lượng đường tiêu thụ đạt 219.700 tấn, tăng 88% so với tháng 3/2012 và tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm 2011. Như vậy, tiêu thụ đường của các nhà máy không khó khăn do nhu cầu tiêu thụ cao, lượng tồn kho giảm dần.

Về việc xử lý như với đề xuất cấp hạn ngạch nhập khẩu thêm 70.000 tấn đường, đại diện Vụ Xuất nhập khẩu cho biết, điều này cần phải có sự thống nhất giữa Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trên tinh thần chung là hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ hết mía, tiêu thụ đường sản xuất trong nước và thực hiện chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Dự kiến ngày 16 – 17 tới, hai Bộ sẽ tổ chức một cuộc họp về vấn đề này. Sau cuộc họp, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả.

Nguồn: