"/>"/>

Tiêu thụ phân đạm urê trong nước: Khó khăn chồng chất

08:26 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Tư, 2014

Trước tình trạng phân đạm urê từ Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt, giá giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất urê trong nước đang gặp khó vì hàng tồn cao, bán dưới giá thành vẫn không tiêu thụ được.

Tồn kho urê gấp 3 lần cùng kỳ

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm, sản lượng phân urê ước đạt 391,8 nghìn tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ; phân NPK ước đạt 307,5 nghìn tấn, giảm 11,7% so với cùng kỳ. Phân DAP tính chung 2 tháng ước đạt 33,2 nghìn tấn, giảm 31% so với cùng kỳ. Về thực trạng này, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Gia Tường cho biết, phân bón tồn kho vẫn cao. 2 tháng đầu năm, đạm urê tồn kho gần 70.000 tấn, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Con số này hiện tại đã lên trên 100.000 tấn. Nguyên nhân là do giá phân urê của Trung Quốc vào Việt Nam quá thấp. Ngoài ra, do các đại lý đợi giá giảm sâu, hạn chế mua vào, dẫn đến tồn kho tại các nhà máy càng tăng cao.

Trên thị trường thế giới, giá urê đang giảm mạnh chỉ khoảng 300 USD/tấn, trong khi cuối năm 2013, giá dao động khoảng 330-340 USD/tấn. Điều này đã kéo theo giá trong nước giảm. Đại diện Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cho biết, chưa bao giờ công ty gặp khó như bây giờ. Hiện công ty đang tồn hơn 100.000 tấn urê, mức tồn lớn nhất từ trước đến nay. Thời điểm urê thế giới dao động trên 330 USD/tấn, công ty cũng bán ra với mức giá 7.900-8.000 đồng/kg (giá bán xuống đại lý cấp 1). Nhưng hiện tại, công ty đã hạ xuống dưới giá thành chỉ còn 7.500 đồng/kg cũng không bán được hàng, vì không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Tính ra, urê Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam giá chỉ dao động 6.000-6.500 đồng/kg, vẫn rẻ hơn tất cả urê sản xuất trong nước. Đây cũng đang là thời điểm tiêu thụ không tốt vì hiện nay, các địa phương phía Nam đang thu hoạch vụ đông xuân, nhu cầu tiêu thụ phân urê thấp. Ngoài ra, đạm Ninh Bình còn ở tình thế “khó chồng khó” khi là thương hiệu mới nên chưa được người nông dân “quen mặt”; chịu áp lực lớn trước tình trang trả lãi vay ngân hàng. Với tổng vốn đầu tư trên 11.000 tỷ đồng, mới đi vào vận hành thương mại được gần 2 năm, sản xuất còn chưa ổn định, gánh nặng trả lãi ngân hàng, hàng tồn kho lớn đã khiến đạm Ninh Bình lâm vào cảnh khó khăn nhất từ trước đến nay.

Trước tình trạng phân bón nhập khẩu ồ ạt cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch từ Trung Quốc, chất lượng chưa được kiểm soát, đại diện công ty cũng đưa ra đề xuất, nhà nước cần có biện pháp siết chặt lại khâu này, nhất là với nhập khẩu tiểu ngạch.

Tìm đường xuất khẩu

Trước tình trạng nguồn cung urê dư thừa, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã hướng tới xuất khẩu từ mấy năm nay. Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) dự tính năm 2014 sẽ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn sang Campuchia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc… Bước đầu sản phẩm đã được khách hàng tại những thị trường này chấp nhận. Ông Cao Hoài Dương- Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) - cũng cho biết, xúc tiến từ nhiều năm qua, đến nay, PVFCCo đã thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện tại Campuchia, Myanmar cùng với nhiều hoạt động phát triển thị trường. Với thị trường Myanmar, năm 2014, PVFCCo đặt ra mục tiêu sẽ xuất khẩu với số lượng lớn bởi tổng lượng cầu đối với urê của Myanmar vào khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sẽ còn tăng trong những năm tới. Tuy nhiên, tại thị trường này, Việt Nam cũng vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của phân bón từ Trung Quốc. Ngoài ra, đối với thị trường Thái Lan, có đặc thù là quen sử dụng 100% urê hạt đục, nên hiện chỉ đạm Cà Mau có thể thâm nhập.

Đạm Ninh Bình sản xuất từ than nên giá thành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu này. “Chúng tôi đã chủ động trao đổi với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam về việc xem xét điều chỉnh giá than cho phân bón. Hiện giá than chiếm 70% giá thành của phân urê, nếu không điều chỉnh giá than thì giá phân urê trong nước khó cạnh tranh với phân urê của Trung Quốc”- ông Nguyễn Gia Tường kiến nghị.

Nguồn: