Tồn kho, chi phí đều tăng

08:25 SA @ Thứ Sáu - 06 Tháng Tư, 2012

Lạm phát trong quí 1-2012 đã hạ nhiệt rất mạnh và chỉ còn tăng 2,55% so với cuối năm 2011. Nhưng đi cùng với kết quả đó lại là một thực trạng rất đáng lo - sự đình đốn của ngành công nghiệp. Trong quí 1 năm nay, giá trị gia tăng của lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,94%, bằng khoảng một nửa so với quí 1 các năm 2010-2011 và một phần ba các năm 2005-2008.

Tồn kho tăng

Năm 2012, ngành công nghiệp xi măng đặt mục tiêu tiêu thụ 55-56,5 triệu tấn, tăng 11-12% so với năm 2011. Ngành thép cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng, dù khiêm tốn hơn khá nhiều, khoảng 4%. Nhưng diễn biến thị trường trong các tháng đầu năm nay không như kỳ vọng của các doanh nghiệp. Lượng xi măng bán ra của một loạt nhà sản xuất lớn chỉ đạt một nửa so với kế hoạch. Còn với ngành thép, các doanh nghiệp cho rằng mức tiêu thụ của năm nay sẽ còn tiếp tục giảm thêm 5-7% nữa.

Từ quí 4 năm ngoái, ngành xi măng và thép đã cắt giảm mạnh sản lượng sản xuất, nhưng sản phẩm tồn kho chẳng những không giảm mà còn tăng vọt. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến đầu tháng 3-2012, tồn kho của ngành thép tăng tới 59,1% so với cùng kỳ năm ngoái và tỷ lệ này của xi măng là 55%.

Không chỉ hai ngành xi măng, thép mới bị tăng tồn kho, mà đây là tình trạng phổ biến. Trong 31 ngành công nghiệp chế biến chủ chốt, chỉ có sản xuất đường và “ngành sản xuất các thiết bị gia đình chưa được phân vào đâu” là có tỷ lệ tồn kho giảm. Trong các ngành còn lại, đến hai phần ba số ngành có tồn kho tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2011. Nếu tính bình quân toàn ngành công nghiệp chế biến, lượng hàng hóa tồn kho đã tăng gần 35%.

Mọi chi phí đầu vào cũng tăng

Cùng với lãi suất tín dụng cao, số lượng tồn kho lớn đang là gánh nặng đối với ngành công nghiệp chế biến, nhưng sức ép không chỉ có thế. Từ đầu năm đến nay, áp lực đang ngày một nặng nề hơn đối với các doanh nghiệp khi mà mọi chi phí đầu vào cho sản xuất và lưu thông sản phẩm vẫn tăng đều.

Những con số của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất trong quí 1 đã tăng thêm 2,31% so với quí trước. Điều đáng quan tâm ở đây là chỉ số giá bán sản phẩm của các ngành có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của công nghiệp chế biến tăng rất mạnh. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 19,22%, điện và phân phối điện 5,05%, nước sạch và nước thải tăng 13,6%.

Tương tự, chỉ số giá cước vận tải cũng tăng tới 5,94%, trong đó giá dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải tăng 4,21%.

Khác hẳn với xu hướng tăng chi phí sản xuất, giá bán sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tuy có tăng, nhưng chỉ ở mức không đáng kể là 0,75%. Đáng lo ngại hơn nữa là chỉ số giá bán sản phẩm của ngành sản xuất hàng nông nghiệp, chẳng những không thể tăng theo chi phí, mà còn giảm 1,46%. Chắc chắn tình hình này sẽ ảnh hưởng xấu đến thu nhập của nông dân và qua đó tác động đến sức mua, vốn đã rất yếu, của thị trường đối với sản phẩm của ngành công nghiệp chế biến.

Lạm phát giảm, đó là điều mà mọi doanh nghiệp và người dân đều mong muốn, nhưng kết quả này một phần cũng đến từ tình trạng đình đốn của ngành công nghiệp và sự suy giảm sức mua của thị trường. Do vậy, đó cũng là một dấu hiệu đáng phải lo lắng.

Sự đình đốn sản xuất càng thể hiện rõ nét hơn ở tỷ lệ nhập siêu của quí 1 năm nay. Với một nền kinh tế mà hầu hết máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài, mà nhập siêu trong ba tháng đầu năm chỉ 251 triệu đô la Mỹ, rõ ràng là dấu hiệu bất thường.

Tất cả đều hướng về ngân hàng

Điều cộng đồng doanh nghiệp và người dân mong chờ nhất hiện nay là lãi suất tín dụng giảm. Đây có thể xem là điều kiện tiên quyết để các ngành sản xuất có thể thoát khỏi khó khăn và phục hồi.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2012, Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế còn những yếu kém nội tại, trong đó “sản xuất công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể; lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn”. Vấn đề “lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn” vừa là trở ngại, nhưng nó cũng là điểm cần có hướng giải quyết đột phá để cứu ngành công nghiệp.

Có một câu hỏi đặt ra là vì sao lạm phát đã hạ nhiệt và trước tình hình sản xuất đang đình đốn, nhu cầu vay tín dụng cũng giảm, nhưng lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn cứ cao? Tại phiên họp của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói rằng về tài chính, tiền tệ cần phải giải quyết dứt điểm những vấn đề trước mắt đặt ra. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nói rõ hơn về “những vấn đề trước mắt đặt ra” là “tập trung mạnh vào giải quyết vấn đề về thanh khoản”.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu, chừng nào chưa giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản của ngành ngân hàng thì lãi suất tín dụng vẫn còn tiếp tục làm khó doanh nghiệp, làm khó cả nền kinh tế.

Nguồn: