Đợt tăng lương sớm hơn lộ trình lần này là nhằm "bắt kịp" với tình hình biến động giá cả, giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Đồng thời, xóa bỏ khoảng cách về lương giữa các loại hình doanh nghiệp. Lâu nay, lương tối thiểu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn cao hơn so với doanh nghiệp khác.
Như vậy, nếu được duyệt chính thức, từ 1/10, lương tối thiểu áp dụng trong mọi loại hình doanh nghiệp thuộc vùng 1 sẽ là 2 triệu đồng, tăng 100.000 đồng so với mức đề xuất ban đầu. Vùng 2, mức lương tối thiểu áp dụng sẽ là 1,78 triệu đồng, tăng 50.000 đồng so với dự kiến. Các vùng 2 và 3 còn lại áp dụng lần lượt 1,55 triệu đồng và 1,4 triệu đồng, giữ nguyên phương án đề xuất ban đầu.
Nguồn tin từ Quốc hội cho VnExpress biết các mức lương mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất nhận được sự tán thành của các bên tham gia ý kiến. Cơ quan này cho rằng tăng lương tối thiểu là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo đời sống an sinh xã hội. Phương án lương mới cũng được tính toán thận trọng trên cơ sở điều tiết lợi ích giữa các bên, gồm người lao động - doanh nghiệp và Nhà nước. Do đó, các mức lương tối thiểu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đệ trình có thể sớm được thông qua và dự kiến được áp dụng từ 1/10.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết tại thời điểm đề án tăng lương được trình lên Chính phủ, vẫn còn ý kiến băn khoăn. Một số quan điểm cho rằng mức 2 triệu đồng áp dụng cho vùng 1 vẫn quá thấp so tốc độ tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, khi đưa ra các phương án về lương, Ban soạn thảo tính toán và lựa chọn mức hợp lý trên cơ sở ít tác động nhất đến giá cả. Bởi quy luật nhiều năm nay cho thấy, mỗi đợt điều chỉnh lương, giá một số mặt hàng lại có cớ để "té nước". Trong khi bối cảnh lạm phát hiện tại, nếu không điều chỉnh lương thì đời sống của người dân khó khăn.
Đề xuất tăng lương tối thiểu ở mọi loại hình doanh nghiệp lần đầu tiên được công bố là tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6. Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết đợt tăng này sớm hơn lộ trình 2 tháng nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động.