"/>"/>

Ưu tiên cho phân bón hữu cơ và công nghiệp dược

09:02 SA @ Thứ Sáu - 27 Tháng Chín, 2013

Đó là một số nét cơ bản trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 18/9/2013.

Ưu đãi đặc biệt công nghiệp dược

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hiện Việt Nam phải nhập khẩu trên 50% lượng thuốc tân dược, đặc biệt là các loại biệt dược, nguyên liệu đầu vào và các loại hoạt chất để sản xuất thuốc với giá trị cao. Chính vì thế, trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030 sẽ đặc biệt chú trong phát triển nhóm sản phẩm hóa dược thay thế nhập khẩu. Cụ thể, sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, đổi mới trang thiết bị và quản lý nhằm đáp ứng về cơ bản nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược; đầu tư xây dựng mới nhà máy chiết xuất hóa dược có nguồn gốc thiên nhiên và bán tổng hợp công suất 150-200 tấn/năm, nhà máy sản xuất hoá dược vô cơ và tá dược thông thường công suất 200-400 tấn/năm, nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 1 tổng công suất 600 tấn/năm, nhà máy sản xuất kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 2, 3 và 4 công suất 150 tấn/năm...

Cũng để mở đường cho ngành công nghiệp này, Chính phủ sẽ có những ưu đãi đặc biệt. Tại Công văn số 918/TTg-KGVX ngày 8/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những ưu đãi đặc biệt cho 2 dự án kháng sinh. Cụ thể, cho phép dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp, nhóm cephalosporin của Công ty Mekophar với Tổng công ty Dược Việt Nam và dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam với Công ty Ampharco U.S.A sẽ được hưởng các ưu đãi: được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam với mức 70% vốn đầu tư cố định của dự án, với lãi suất cho vay là 3%/năm, thời hạn cho vay là 12 năm, thời gian gia hạn là 2 năm, trong thời gian gia hạn chưa phải trả gốc và lãi.

Đồng thời, hai dự án này cũng sẽ được cấp kinh phí chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực từ ngân sách sự nghiệp khoa học thông qua Dự án chuyển giao công nghệ, đào tạo do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, dự án sản xuất kháng sinh còn được hưởng một số ưu đãi khác về thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị.

Mở rộng nhóm sản xuất phân bón hữu cơ

Nắm bắt được xu hướng sử dụng phân bón giàu chất dinh dưỡng, hạn chế phân đơn, theo quy hoạch, đến năm 2020 sẽ chuyển dần các cơ sở sản xuất phân supe lân đơn sang sản xuất supe lân giàu chứa khoảng 28% P2O5; sản xuất phân đa thành phần NPK có tổng hàm lượng chất dinh dưỡng khoảng 30-40%; đầu tư sản xuất phân bón lá chứa các chất dinh dưỡng đa lượng, vi lượng; mở rộng sản xuất nhóm phân bón hữu cơ với tổng công suất khoảng 500.000 tấn/năm.

Tiếp tục đầu tư và cải tạo mở rộng nhà máy đạm Hà Bắc, nhà máy DAP số 2 tại Lào Cai, nâng tổng công suất các nhà máy DAP lên 1.000.000 tấn/năm; nhà máy phân kali tại Lào công suất giai đoạn đầu là 320.000 tấn/năm, sau đó sẽ nâng công suất nhà máy trên lên 700.000 tấn/năm; các nhà máy phân bón NPK với tổng công suất từ 3,5 đến 4 triệu tấn/năm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nâng tổng công suất các nhà máy phân lân nung chảy lên khoảng 1,0-1,2 triệu tấn/năm.

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sẽ cố gắng thực hiện quy hoạch mang tính liên kết cao. Nhiều ý kiến cũng thống nhất, khi thực hiện quy hoạch, để không bị vỡ, cần tính đến việc đồng bộ giữa quy hoạch hóa chất với quy hoạch của các ngành khác cho phù hợp. Như khi liên kết được với ngành cơ khí ô tô, chúng ta cần tính toán đến năm 2015 - 2020 nhu cầu ô tô sẽ là bao nhiêu, từ đó quy ra sản lượng săm lốp thực cần, chủng loại nào ưu tiên dùng trong nước, chủng loại nào cần xuất khẩu? Từ đó để lên kế hoạch sản xuất cho phù hợp, tránh cái cần thì thiếu, cái không cần thì thừa.

Nguồn: