“Nhập thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều không chỉ để sử dụng trong nước”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Hồng – nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT, khi trao đổi với NTNN về thông tin Việt Nam chi hàng trăm triệu USD mỗi năm để nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chi tới 346 triệu USD (hơn 7.600 tỷ đồng) để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc BVTV, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc chiếm gần 50%. Nhiều người tỏ ra lo lắng trước thực trạng chi quá lớn để nhập nhiều mặt hàng nguy hại này, còn cá nhân ông có suy nghĩ gì?
- Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc BVTV, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 50%, thuốc trừ sâu khoảng 25%, thuốc trừ bệnh khoảng 20%, còn lại là các thuốc điều hòa kích thích sinh trưởng như thuốc trừ chuột, trừ ốc, mối…
Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm trên đồng ruộng. Gần đây các doanh nghiệp (DN) nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%, bởi Trung Quốc là công xưởng sản xuất thuốc BVTV của thế giới (chiếm 40%). Các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu BVTV về không chỉ để sử dụng ở Việt Nam mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác. Như Campuchia sử dụng đến 80% thuốc BVTV của Việt Nam, nhiều nước khác cũng sử dụng thuốc BVTV của Việt Nam như Lào, Myanmar, Singapore, Philippines, thậm chí cả Trung Quốc...
Chính vì thế con số mà các DN nhập về không phải là để sử dụng toàn bộ cho đồng ruộng Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nhập ngày càng nhiều nguyên liệu, thuốc BVTV.
Theo nắm bắt và tìm hiểu của ông, tình hình sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam trong những năm gần đây có vấn đề gì đáng lưu ý?
- Cái này hỏi các DN bán thuốc BVTV thì biết rõ nhất, những năm gần đây các DN kêu ca rất nhiều vì không bán được thuốc BVTV ở trong nước, số lượng bán ra ngày càng giảm nên họ gia tăng nhập nguyên liệu để phối trộn đóng chai và bán cho nước ngoài. Cá nhân tôi nhận thấy rằng trong 5 năm gần đây tình hình sâu bệnh rất ít, nông dân ý thức hơn trong việc thực hiện quy trình sản xuất nên sử dụng thuốc BVTV trừ sâu bệnh ít hơn.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng trong khi các nước châu Âu từ lâu đã nói không với các hoạt chất, thuốc BVTV từ hóa chất vì quá độc hại, còn Việt Nam vẫn coi hóa chất là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ mùa màng?
- Hiện nay trên thế giới chưa có nước nào không sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là các nước phát triển, chỉ có các nước chậm phát triển như châu Phi, không sản xuất thâm canh, sản xuất hàng hóa thì may ra họ mới không dùng thuốc BVTV. Các nước châu Âu, kể cả châu Á như Nhật Bản, nếu quy ra lượng dùng thuốc BVTV trên ha thì còn dùng nhiều hơn Việt Nam vì họ thâm canh, vấn đề là họ sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng và đúng quy trình.
Việt Nam khi đưa các hoạt chất thuốc BVTV vào trong danh mục được phép sử dụng đều tính toán rất kỹ lưỡng, có cả hội đồng tư vấn, thẩm định, tham khảo các tổ chức quốc tế rồi mới quyết định cho phép sử dụng ở Việt Nam. Nếu các hoạt chất nào các nước cấm sử dụng, các tổ chức quốc tế cảnh báo thì Việt Nam không sử dụng, chúng ta có cả một danh sách các hoạt chất thuốc BVTV cấm sử dụng.
Đánh giá của ông về chất lượng nguyên liệu thuốc BVTV mà các DN Việt Nam nhập từ Trung Quốc?
- Nói chung dù có nhập từ bất cứ nước nào khi được phép sử dụng ở Việt Nam đều phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu của Việt Nam. Chỉ có một số trường hợp nhập lậu thuốc ngoài danh mục là nguy cơ chất lượng kém, độc hại cao. Bộ NNPTNT đang triển khai chương trình về xử lý vấn đề nhập lậu, thuốc ngoài danh mục. Các sản phẩm thuốc nhập qua đường chính ngạch vẫn đảm bảo chất lượng.
Nhiều người cho rằng thực tế lượng nguyên liệu thuốc BVTV nhập vào Việt Nam lớn hơn rất nhiều lần bởi tình trạng nhập lậu, tuy nhiên không phải như vậy. Hiện nay nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV áp dụng thuế 0% nên người ta không có động lực để nhập lậu.
Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn tại sao chúng ta nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV nhiều như thế, trong lúc có thể tự sản xuất được?
-Để có được một nền công nghiệp hóa học hiện đại cần có đầu tư bài bản từ con người đến công nghệ, rất tốn kém và mất rất nhiều năm chứ không phải nói sản xuất là sản xuất được luôn. Nền công nghiệp hóa học của mình rất kém, không thể cạnh tranh với các nước khác được, đây không phải thế mạnh của mình nên chúng ta không dại gì đi đầu tư sản xuất cái này. Trong lúc sản xuất thuốc BVTV rất độc hại nên chúng ta không khuyến khích các DN sản xuất trong nước.
Đánh giá của ông về ý thức sử dụng thuốc BVTV của nông dân đối với việc sản xuất cây trồng trong những năm gần đây thế nào?
- Trong những năm gần đây ý thức của người dân về sử dụng thuốc BVTV được tăng cường rất nhiều, có rất nhiều địa phương có nhiều hình thức tuyên truyền, có nhiều dự án khuyến nông, thực hành nông nghiệp tốt, các chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, đều giảm thuốc BVTV, chương trình hệ thống canh tác lúa cải tiến cũng giảm thuốc BVTV, chương trình phòng chống dịch hại tổng hợp của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.
Nông dân Việt Nam được tăng cường hiểu biết, ý thức ngày càng nâng cao. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền rộng rãi hơn, các dự án khuyến nông nghiệp nhiều hơn, các DN tham gia đầu tư nông nghiệp nhiều hơn thì ý thức sử dụng thuốc BVTV của nông dân sẽ được nâng cao hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!