"/>
Trước thực trạng nhiều DN chây ì, không chấp hành quyết định xử phạt về thuế, các cơ quan chức năng đã sử dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính này như: Đình chỉ sử dụng hóa đơn, trích tiền tại tài khoản tiền gửi, kê biên tài sản… của DN.
Để cưỡng chế có hiệu quả, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Nhiều DN chây ì, nợ thuế
Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu vừa quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc với hàng hóa nhập khẩu của Công ty TNHH Thực phẩm M do DN này không chấp hành thông báo về tiền thuế nợ và tiền phạt chậm của Chi cục Hải quan cảng Cát Lở, với số tiền thuế, tiền phạt chưa nộp tính đến ngày 22/8/2013 là 19,5 triệu đồng. Ngoài ra, quyết định cưỡng chế trích tiền tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Thương mại CP Đại Á, Chi nhánh Vũng Tàu đối với DN tư nhân HB do DN này không chấp hành thông báo về tiền thuế nợ và tiền phạt chậm của Chi cục Hải quan cảng Cát Lở.
Trước đó, Cục Hải quan TP.HCM ban hành quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế bằng hình thức trích tiền gửi tại tài khoản của Ngân hàng Indovina Bank nộp vào ngân sách Nhà nước đối với Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ V.P.T Nguyên nhân do sau nhiều lần thông báo, đốc thu, đến tháng 7/2013, DN này vẫn chưa thi hành quyết định ấn định thuế nêu trên.
Đây chỉ vài trường hợp điển hình về việc chây ì của DN trong việc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan quản lý.
Chế tài chưa đủ mạnh
Nguyên nhân khiến DN bị xử phạt là do chậm hoặc không nộp thuế. Theo ông Trần Văn Phu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, DN không nộp thuế ngoài nguyên nhân khách quan như họ tiếp tục gặp khó khăn về tài chính; giải thể, phá sản thì một số DN đang trong quá trình khiếu nại về cơ chế, chính sách, nên chưa chịu hoàn thành nghĩa vụ của mình… Biện pháp, chế tài như quy định hiện nay không đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chây ỳ không thực hiện nộp thuế, chưa có cơ chế xử lý đối với một số khoản nợ cho các đơn vị kinh doanh không hiệu quả, tự giải thể.
Về chủ quan, ở một số cục thuế, công tác quản lý nợ chưa được quan tâm đúng mức; thiếu kiên quyết chỉ đạo áp dụng các biện pháp thu hồi nợ đọng kịp thời. Bên cạnh đó, một số cơ quan chức năng chưa hỗ trợ tích cực để giúp cơ quan thuế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ đúng với Luật Quản lý thuế hiện hành.
Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Sau khi được ban hành, các biện pháp cưỡng chế áp dụng cho các quyết định hành chính thuế sẽ thực hiện ngay từ khâu thông báo tiền thuế nợ, tiền chậm nộp; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuế ...
Các đối tượng áp dụng bao gồm: Tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; cơ quan thuế, công chức thuế; người có thẩm quyền và trách nhiệm cưỡng chế; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện cưỡng chế.
Các hình thức cưỡng chế được thực hiện như sau: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, các tổ chức tín dụng; yêu cầu phong toả tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước...
Quyết định cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.
Dù có nhiều thành công trong công tác đôn đốc thu nộp và quản lý nợ thuế, nhưng hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: Tỷ lệ nợ thuế trên phạm vi toàn quốc tuy có xu hướng giảm nhưng giảm không chậm và không chắc chắn. Nợ thuế không có khả năng thu, khó thu, nợ dây dưa kéo dài diễn ra ở hầu hết các địa phương, các sắc thuế. Đặc biệt, nợ thuế của khu vực DN nhà nước và DN dân doanh ở mức rất cao nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để thu nợ. Một số khoản nợ thuế có tuổi nợ cao, dây dưa kéo dài nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để thu nợ kịp thời vào ngân sách nhà nước.