PHÁT HUY VAI TRÒ CÔNG ĐOÀN TRONG PHÒNG CHỐNG TIN GIẢ, TIN XẤU – ĐỘC HẠI TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG GÓP PHẦN BẢO VỆ ĐẢNG, BẢO VỆ CHẾ ĐỘ.

09:39 SA @ Thứ Hai - 16 Tháng Mười, 2023

Trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không ngừng gia tăng hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, thông tin sai sự thật, suy diễn về mặt tư tưởng, bôi nhọ, xúc phạm, hạ uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng bằng những tin giả, tin xấu – độc hại nhằm gây hoang mang tư tưởng của cán bộ, Đảng viên, nhân dân và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước nhằm làm giảm sút lòng tin đối với Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Phủ nhận, phản bác Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của nước ta, các tin xấu, tin giả (Fake News) luôn là một vấn nạn gióng lên hồi chuông báo động trên phạm vi toàn cầu và toàn đất nước Việt Nam.

Trước sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên sử dụng mạng xã hội như facebook, youtube, zalo, Tiktok, Instagram…với đặc tính ẩn danh, núp bóng và lan truyền nhanh gây ra nhiều tác động xấu đến dư luận, thu hút sự quan tâm của quần chúng, nhân dân, người lao động, gây kích động biểu tình, gây bất ổn về an ninh, trật tự. Thủ đoạn chủ yếu là giả mạo, cắt xén, ngụy tạo bằng chứng để vu cáo, sử dụng thông tin cũ, tạo giọng điệu mới để tung tin thất thiệt, tạo dư luận xấu từ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng như các vụ “Chuyến bay giải cứu” công dân từ nước ngoài, vụ “Cung ứng kít xét nghiệm của công ty Việt Á” trong thời gian dịch bệnh Covid – 19; vụ “Tấn công khủng bố có tổ chức tại Đắk Lắk” để quy chụp cho đường lối của Đảng, nhà nước và chế độ. Các đối tượng nhào nặn vụ án rồi suy diễn thành “Lỗi hệ thống”, bóp méo chủ trương, đưa ra thông tin sai lệch nhằm vẽ lên một bức tranh xám xịt về thực trạng xã hội. Các đối tượng đặt tên trang mạng, blog và các tiêu đề, tên bài gây giật gân kích thích tính tò mò của người đọc, người xem, đăng tải tin, bài viết, video clip có nội dung phản động, thật giả lẫn lộn, làm giảm niềm tin, tạo sự nghi ngờ về phẩm chất, uy tín năng lực của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhất là vào thời điểm diễn ra các sự kiện của đất nước.

Mối quan hệ của Đảng và tổ chức Công đoàn là mối quan hệ máu thịt; là cơ sở nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vị trí của Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức. Công đoàn cũng là sợi dây nối liền giữa Đảng với giai cấp công nhân và người lao động. Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phòng chống thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng là vô cùng cần thiết trong thời đại mới.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính phủ, cả hệ thống chính trị trong đó có tổ chức Công đoàn cần tập trung nhận diện các tin giả, xấu, độc hại và phương thức các đối tượng đăng tải, lan truyền những thông tin giả, âm mưu, thủ đoạn, mục đích đằng sau đó, đánh giá tác động của nó đến tâm lý, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của người lao động gần đây để trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác phòng chống tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Đặc biệt cần chia sẻ những mô hình hay, việc làm tốt, đưa ra những kiến nghị, giải pháp cho người lao động các cấp trên không gian mạng.

Sự bùng nổ của thông tin, internet trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng, các thế lực thù địch, các phần tử xấu, tăng cường xuyên tạc, kích động, một số doanh nghiệp, cá nhân vì lợi ích kinh tế không ngừng lan truyền thông tin giả, thiếu sự thật liên quan đến các vụ việc phức tạp, nhạy cảm gây ra bão thông tin, gây xói mòn niềm tin đối với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó các phần tử cơ hội chính trị từng bước thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại, xóa bỏ nền tưởng tư tưởng Đảng để trục lợi.

TIN GIẢ MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG

Xét về lịch sử, tin giả, tin xấu đã có từ thời cổ đại, thời chiến tranh từ thế kỷ 13 trước công nguyên, sau này lan sang thế kỷ 19, thế kỷ 20 trong chiến tranh. Các phương tiện truyền thông như Báo, đài, tạp chí, băng đĩa xuất hiện để lừa bịp, phỉ báng, những câu chuyện được mô tả sai lệch nhằm làm nhiễu thông tin và sự điều hành của Nhà nước chính thống.

Bước sang thế kỷ 21, cho đến thời điểm này, tin giả đã có sự thay đổi muôn hình vạn trạng. Nó lan tỏa như một khối ung thư di căn từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, đời sống và thậm chí cả đời tư của mỗi người.

Các phương thức, thủ đoạn chủ yếu được tạo lập, sử dụng chủ yếu trên các nền tảng internet có máy chủ đặt ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc. Tin tức được cập nhật lan truyền nhanh nhất trên Youtobe, facebook…pha trộn kiểu nửa thật, nửa giả nhằm thu hút sự chú ý, tò mò của độc giả. Thông tin sai lệch hiện nay không phải là mới, nó đã trở thành chủ đề nóng từ gần chục năm nay. Từ khi internet phát triển mạnh mẽ về sự chia sẻ thông tin nhanh chóng. Hiện nay nhiều người nhận tin tức từ các trang mạng và truyền thông xã hội thường rất khó để biết các tin đó có đáng tin cậy hay không. Tình trạng quá tải thông tin và sự thiếu hiểu biết của độc giả cũng góp phần làm gia tăng tin tức giả mạo hoặc những câu chuyện lừa bịp. Khi các nguồn tin chính hãng bị mạo danh bằng các nguồn sai, không có cơ sở thực tế được trình bày theo phong cách của một nguồn tin tức hoặc bài báo đáng tin cậy làm cho nó giống một nguồn hợp pháp, điều này rất nguy hiểm.

Tin giả lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin thật, có thể lan truyền nhanh gấp 10 lần so với tin hợp pháp. Tin giả có phạm vi tiếp cận rộng hơn gấp nhiều lần, chúng lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham những, đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ…để đăng tải những nội dung sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó đưa ra những kết luận chủ trương, chính sách là sai lầm đòi xóa bỏ, kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối. Mạng xã hội phát triển làm gia tăng nguy cơ xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Lợi dụng mạng xã hội, cổ vũ lối sống tôn thờ tự do cá nhân, lối sống thực dụng, văn hóa đồi trụy, bạo lực gây hoang mang trong dư luận.

Bộ công an đã có những nghị định, quy định xử lý nghiêm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp theo dõi, rà soát thông tin, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi phát tán tin giả, phản động, xấu độc, vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật đáng báo động và diễn biến phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Các đối tượng thù địch tạo lập các nhóm kín trên nền tảng mạng xã hội có độ bảo mật cao như Viber; Telegram để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Chúng lôi kéo những phần tử cực đoan, thoái hóa, biến chất, nhẹ dạ, cả tin để hình thành các hoạt động có tổ chức. Hội, nhóm có sự phân công nhiệm vụ, địa bàn hoạt động cụ thể, cấu kết với các băng nhóm phản động trong nước và nước ngoài và bảo mật chặt chẽ. Ví dụ như chúng đã đưa ra những tin giả, sai sự thật về dịch bệnh Covid gây tâm lý hoang mang trong dư luận xã hội, gây bất ổn trong một bộ phận nhân dân, nhiều người tích trữ lương thực gây khan hiếm hàng hóa cục bộ, xoáy sâu vào nỗi lo lắng, sợ hãi, bất an bằng hình ảnh cắt ghép xác người chết chất đầy trong phòng lạnh, hoặc người tự thiêu trên đường phố để phản đối công cuộc phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương. Đưa ra các tin giả về kinh tế nhằm trục lợi cá nhân như “Người dân TPHCM bỏ tiêm vắc xin Trung Quốc” hoặc “Nhiều bệnh nhân Covid tử vong vì không được cứu chữa kịp thời”. Tất cả những tin giả đó nhằm chống phá Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Gần đây nhất trong vụ nhóm đối tượng trang bị vũ khí khủng bố ở Đăk Lăk, các đối tượng đã tung ra thông tin sai sự thật, chụp mũ, suy diễn, đánh lái sai mục đích về vấn đề di dân, phát triển kinh tế ở Tây Nguyên, từ đó kết luận “Không gian sắc tộc bị tan vỡ” nhằm kích động đồng bào dân tộc nhẹ dạ, cả tin gây bất ổn từ bên trong. Bằng thủ đoạn tráo trở, bịa đặt dạng hồi ức, kể lại, nhớ lại vu khống hết sức nguy hiểm về vấn đề tôn giáo, sắc tộc. Lợi dụng vụ án để miệt thị Đảng và Nhà nước. Chúng cho rằng đồng bào bị bỏ rơi, bị chèn ép, bị đẩy vào đường cùng, cùng quẫn nên liều mạng. Một số bài viết còn xuyên tạc chính quyền, kêu gọi sự can thiệp của các tổ chức quốc tế vào công việc nội bộ của Việt Nam. Lợi dụng vụ án để kích động ly khai, phản kháng chính quyền cũng là một tội ác cần phải loại bỏ.

 CHỦ ĐỘNG GIỮ VỮNG LẬP TRƯỜNG, TƯ TƯỞNG

Mạng xã hội hiện nay là một thế giới phẳng, chỉ cần mở điện thoại thông minh lên, vô tình vào các trang web không lành mạnh là chúng ta rất dễ bị tấn công bởi các tin giả, fake news. Trước những thông tin bịa đặt đó, mỗi một Đảng viên, người lao động cần trang bị cho mình những kiến thức, bản lĩnh chính trị đủ tỉnh táo trước các thông tin bịa đặt để tránh những tác hại lan truyền của thông tin xấu độc. Mỗi cán bộ, công nhân viên trong các tổ chức Công đoàn cần xây dựng cho mình hệ miễn dịch, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Công đoàn cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hình thành thói quen chỉ tiếp nhận thông tin qua các kênh chính thống của Đảng, Nhà nước. Từ đó nâng cao nghiệp vụ, lý luận, chính trị, năng lực công tác và phông nhận thức, hiểu biết, tạo thành bản lĩnh vững vàng trước các thông tin xấu, độc. Nhanh nhạy nắm bắt các thông tin giả mạo trên không gian mạng để kịp thời có tính định hướng, phản bác các tin giả, thông tin không chính thống trong đơn vị. Các cấp ủy Đảng phải nghiêm chỉnh chấp hành phát ngôn, cấm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, cấm lan truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc, vu khống, kích động.

Tin giả đã làm tổn thương các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ trong nước mà lan ra cả thế giới. Chính vì thế, các tổ chức chính quyền, các tổ chức xã hội cùng phải bắt tay ngăn chặn tin giả. Tin giả đang thách thức toàn cầu, tác hại thực sự rất khó lường. Đây cũng chính là vấn đề cần được nhận diện đầy đủ để có biện pháp xử lý lâu dài, hiệu quả.

 GỠ BỎ TÀI KHOẢN GIẢ MẠO TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Theo Bộ thông tin và truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2023 facebook đã chặn, gỡ bỏ 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Google đã gỡ bỏ 5.390 video vi phạm trên Youtobe, chặn 2 kênh Youtobe phản động; tiktok chặn, gỡ bỏ 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 145 bài viết luôn chống phá Đảng, Nhà nước.

Thống kê từ Cục an toàn thông tin cho thấy, 6 tháng đầu năm lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64, 78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng tới 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Thực tế chúng ta đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý hành vi này khá đầy đủ từ Hiến pháp đến Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, An ninh mạng, Nghị định 72/2013 /NĐ CP; Nghị định 15/2020 NĐ CP ngày 03/02/2020 và gần đây cũng có rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa loại bỏ được triệt để những thông tin này trên môi trường mạng.

Công cuộc xử lý, ngăn chặn thông tin giả, tin xấu – độc dù đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên thay đổi những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức về phát tán thông tin. Việt Nam lại là nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Tính đến hết năm 2021 Việt Nam có 77 triệu tài khoản mạng xã hội (chiếm 78,1% dân số) mạng xã hội Facebook có 70 triệu tài khoản, Youtobe có 62,5 triệu tài khoản, zalo có 45 triệu tài khoản. Đây là môi trường thuận lợi để các thế lực phản động tiến hành khai thác, nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm gây bất ổn về chính trị, tổn hại về kinh tế, an ninh, quốc phòng, xâm hại chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

 MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG

Để thực hiện công tác phòng chống tin giả, tin xấu – độc hại trên không gian mạng, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể:

Một là: Kiểm soát tốt các thông tin xấu độc, kịp thời ngăn chặn, khóa, gỡ bỏ các thông tin này, hạn chế tối đa sự tiếp cận của người sử dụng mạng đối với các thông tin xáu độc phản động, cần hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội các biện pháp bảo mật an toàn thông tin cá nhân, phổ biến đến người sử dụng các mánh khóe mà các đối tượng xấu thường lợi dụng trên các trang mạng xã hội, các bài viết, hình ảnh có tính chất nhạy cảm, kích thích sự tò mò của người đọc, dẫn dắt người đọc tìm kiếm để qua đó cài đặt các phần mềm độc hại nhằm thu nhập đánh cắp thông tin của người đọc và phát tán các quan điểm phản động.

Hai là: Nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái trên không gian mạng. Sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, do đó chúng ta càng cần phải tăng cường kiểm soát.

Các báo, tạp chí điện tử cần mở các chuyên mục mang tính chuyên sâu như các chuyên mục về “Sự kiện – bình luận”; “Nghiên cứu – trao đổi”; “Chống các quan điểm sai trái thù địch”. Phát triển và nâng cao các chuyên trang, nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước giúp người đọc hiểu sâu nội dung nghị quyết, chính sách làm cơ sở nâng cao ý thức phòng chống tin xấu, tin giả trên không gian mạng.

Ba là: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy chế, quy định của người sử dụng mạng xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cơ quan chức năng đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, nhất là luật an ninh mạng 2018.

Bên cạnh việc tuyên tuyền các lợi ích của luật An ninh mạng cần chú trọng tuyên truyền cho người sử dụng về những hành vi bị cấm trong luật như tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, lôi kéo, kích động, huấn luyện người chống Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt chủng tộc, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, phá hoại hệ thống quan trọng về An ninh, quốc phòng. Đồng thời với việc tuyên truyền các nội dung trên, các cơ quan chức năng thường theo dõi, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của người sử dụng mạng.

Bốn là: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động về những vấn đề cốt lõi, giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để mỗi đoàn viên nhận thức đúng đắn, tự trang bị cho mình sức đề kháng tốt, phân biệt được đúng, sai để có hành động có ích cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Năm là: Nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của công chức, viên chức, người lao động để có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, tránh để các thế lực phản động dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc. Cần có thái độ, chính kiến rõ ràng trong các tình huống, đồng tình, ủng hộ hay lên tiếng, phê phán, có chính kiến rõ ràng, nhãn quang chính trị nhạy bén, sâu sắc không mắc mưu các phần tử xấu. Muốn vậy cán bộ, đoàn viên cần trang bị cho mình hệ thống kiến thức để có thể miễn dịch với thông tin sai trái.

Thứ sáu: Tham gia viết tin, bài, chia sẻ các thông tin có nội dung tích cực để định hướng dư luận cho công đoàn, doanh nghiệp, tham gia vào lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên để đấu tranh, phản bác trên không gian mạng.

Chú thích: Bài viết có sử dụng tư liệu của Tạp chí điện tử - Lý Luận chính trị", Báo điện tử - Đảng cộng sản Việt Nam, Báo Hậu Giang online.