"/>"/>

Báo động nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu

10:38 SA @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Hai, 2012

Vụ đông xuân đã cận kề, nhiều tỉnh miền Trung đang tập trung cung cấp giống lúa, phân bón cho nông dân. Theo đó, thị trường phân bón nhập lậu, phân bón giả cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Nổi cộm nhất là Bình Định. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 10 vụ buôn lậu phân bón nông nghiệp với số lượng lớn. Gần đây nhất, ngày 29/11, kiểm tra kho chứa của Công ty TNHH Dịch vụ Chan Hòa, đội QLTT cơ động Bình Định đã phát hiện 24 tấn phân hóa học không rõ nguồn gốc. Bà Đậu Thị Thu Hương- Giám đốc công ty cho biết, số phân bón trên bà mua ở Cảng Quy Nhơn với giá 8.000 đồng/kg, để mang đi tiêu thụ. Trước đó, ngày 14/10 QLTT Bình Định cũng bắt giữ một tàu cá không rõ số hiệu do ông Võ Văn Hiến, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn làm thuyền trưởng. Khi bị phát hiện, chủ tàu và các thành viên tìm cách chống trả và xả nước làm chìm tàu để phi tang hơn 40 tấn phân hóa học DAP tại vùng biển Vũng Sim (phường Hải Cảng). Hay ngày 26/7, Đội QLTT số 6, đã phát hiện tại cửa hàng phân bón do bà Đinh Thị Thu (huyện Tuy Phước) làm chủ đang tàng trữ 7,2 tấn phân bón nhập lậu. Trên bao bì đóng gói nhiều nhãn hiệu các nước khác nhau như Urea Indonesia, Prilled Urea, Urea Prc, Kali Canada... Theo lời khai của bà Thu, bà đã mua số phân bón này tại một con tàu đang neo đậu ở cảng Quy Nhơn, với đơn giá 9.500 đồng/kg và không có hóa đơn chứng từ.

Còn năm 2011, theo báo cáo của Chi cục QLTT Bình Định, qua kiểm tra trên địa bàn lực lượng kiểm tra kiểm soát đã phát hiện và xử lý hơn 20 vụ buôn lậu liên quan đến phân bón nông nghiệp. Ông Nguyễn Thế Vinh- Chi cục phó Chi cục QLTT kiêm đội trưởng Đội QLTT cơ động- cho biết: “Bọn buôn lậu hoạt động chủ yếu trên biển, thường tập kết hàng tại bán đảo Hải Minh hay xã đảo Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), nhiều lúc còn hoạt động ở phao số 0 trên biển khiến cho công tác kiểm tra rất khó khăn”

Bên cạnh nạn phân bón nhập lậu thì phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Như tại Gia Lai, từ đầu năm đến nay, qua tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất và kinh doanh phân bón trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã phát hiện 13/17 trường hợp vi phạm. Qua đó xử phạt hành chính 572 triệu đồng; tịch thu 74 tấn phân bón các loại; buộc tái chế gần 3.000 tấn. Nghiêm trọng hơn, đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 12 mẫu phân bón tại 8/11 cơ sở sản xuất, kết quả xét nghiệm cho thấy có tới 9/12 mẫu phân bón không đảm bảo chất lượng.

Thực tế nhiều vụ khởi kiện phân bón giả, phân bón nhập lậu, kém chất lượng làm hại cây trồng cho thấy người nông dân luôn thiệt đơn thiệt kép không thể bảo vệ mình. Mà nguyên nhân chủ yếu khi phát hiện thì phân bón đã được sử dụng; các chứng từ mà người nông dân có đều không đủ cơ sở pháp lý khi cơ sở kinh doanh từ chối nhận sản phẩm đó là của mình cung cấp.

Số liệu thống kê cho biết, vụ đông xuân 2012-2013, nhu cầu sử dụng phân bón hóa học trên toàn quốc ước khoảng 550 nghìn tấn. Tuy nhiên, hiện nay do nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu hoành hành nên theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam lượng phân bón tồn kho ước trên 800.000 tấn. Vì vậy mà thời gian gần đây giá phân NPK, lân, kali... giảm khoảng 10 - 15% so với hồi đầu vụ hè thu 2012.

Với thực tế đó, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường đấu tranh với vấn nạn phân bón giả, phân bón nhập lậu thì không những thị trường phân bón nội địa lao đao mà phần thiệt hại luôn ở về phía người nông dân. Quan trọng hơn nữa là chiến lược an ninh lương thực quốc gia sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nguồn: