"/>"/>

ĐBSCL: Giá phân bón diễn biến thất thường

11:53 SA @ Thứ Sáu - 08 Tháng Mười Một, 2013

Nước lũ ở ĐBSCL chưa rút, nhu cầu sử dụng phân bón của nhà nông cho vụ đông xuân cũng chỉ mới bắt đầu. Nhưng giới chuyên doanh phân bón cho biết, thị trường phân bón đang biến động bất thường.

Trong 2-3 tuần vừa qua, phân urê là mặt hàng "nóng" khiến dân mua bán phân bón đứng ngồi không yên, vì giá giảm bất thường. Anh Sơn - một trong những người kinh doanh phân phối phân bón có sản lượng lớn ở các tỉnh ĐBSCL, cho biết: Theo thông lệ hằng năm, các đại lý đã chuẩn bị hàng trước khi vào vụ đông xuân, nhưng vừa qua giá phân urê trong nước biến động quá bất ngờ, không còn theo qui luật. Giá phân urê Phú Mỹ ở mức khoảng 8.500 đồng/kg, phân urê Cà Mau 7.800 đồng/kg. Sau đó giá phân hạ còn khoảng 7.500 đồng/kg, nhưng phần nhiều các đại lý cấp 2 đã cắt giá đặt hàng trước. Đến giữa cuối tháng 10, giá phân urê từ Trung Quốc nhập tiểu ngạch đột ngột giảm, giá bán sỉ còn 6.800-6.900 đồng/kg khiến cho các đại lý lỡ "ngậm" hàng đầy lo âu, vì theo lý thuyết hiện nay hàng chưa bán đã cầm chắc lỗ.

Trong những ngày gần đây, giá phân urê có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Hàng Trung Quốc bao bì đẹp có giá 7.300-7.500 đồng/kg. Dân kinh doanh phân bón nhận định rằng: Hàng Trung Quốc xuất tiểu ngạch tuy có giai đoạn giảm giá như vậy, nhưng khó kéo dài. Nguồn cung phân bón urê trong nước chủ động và sản lượng các nhà máy sản xuất đảm bảo, giá khó có thể giảm sâu hơn. Diễn biến thị trường vừa qua, chỉ có dân bán buôn lớn và các nhà sản xuất phân NPK trong nước có tiềm lực vốn tốt chuẩn bị nguồn hàng nguyên liệu đầy đủ được lợi nhờ giá thấp. Song, điều lo ngại là không thể loại trừ hiện tượng các cơ sở sản xuất phân NPK vì hám lợi trộn từ phân đơn SA có tỷ lệ đạm thấp, cạnh tranh giá bán thấp với các nhà sản xuất phân bón thương hiệu có uy tín, bất chấp gây hậu quả cho nông dân.

Cùng với mặt hàng phân urê, giá phân DAP cũng biến động. Loại phân hạt xanh tốt nhất có lúc giá giảm còn 9.000 đồng/kg và hiện đã tăng lên 11.500-12.000 đồng/kg. Riêng phân Kali giá không có biến động lớn. Giá cả phân bón hạ nhiệt vừa qua nhìn trên bình diện chung nông dân chưa hưởng lợi được gì, vì chưa vào chính vụ. Các đại lý mua phân bón cho rằng khi phân chạy chợ mới vỡ ra chuyện lỗ, lời. Hiện tại, thị trường phân bón trong nước phải cạnh tranh với phân bón Trung Quốc nhập tiểu ngạch, và phải chịu cảnh "chạy ngược, chạy xuôi". Đạm Phú Mỹ về miền Tây, ra miền Trung-Tây Nguyên; phân đạm Hà Bắc xuôi về thị trường các tỉnh phía Nam; phân đạm Cà Mau lại chuyển ngược về Sài Gòn. Trong khi phân NPK trải qua vụ lúa thu đông vừa qua cho thấy sự cạnh tranh "sát sườn" giữa những nhà sản xuất phân bón NPK lớn thương hiệu có uy tín và những nhà máy nhỏ "mới ra lò" thâm nhập thị trường. Do vậy, từ trước khi vào vụ, các công ty phân bón NPK lớn tăng cường tổ chức hội nghị khách hàng, hội thảo, khuyến mãi, điều chỉnh giá "mềm" để cạnh tranh.

Ông Đặng Thông Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Phân bón hóa chất Cần Thơ, cho rằng: Thuận lợi lớn nhất hiện nay là nguồn cung ứng các loại nguyên liệu sản xuất phân NPK dồi dào. Ngoại trừ phân Kali nhập từ Nga về, còn lại 80-90% công ty có thể chủ động từ nguồn cung trong nước. Giá cả nguyên liệu đầu vào vừa qua có lợi cho công ty. Tuy vậy, cho đến nay sự bất cập lớn còn tồn tại là khung hành lang pháp lý và sự kiểm tra giám sát những đơn vị sản xuất phân bón kém chất lượng, chưa có chế tài xử phạt nghiêm minh, để nông dân tránh bị thiệt hại. Mặt khác, cũng chính từ kẽ hở này tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng sẽ làm thị phần mỗi doanh nghiệp bị chia cắt, thu hẹp…

Theo ông Tuấn, hằng năm, sản lượng phân NPK tăng trưởng 10-15%. Nhưng dự báo có thể năm 2013 lần đầu tiên sản lượng chựng lại ở mức tương đương năm 2012, khoảng 130.000 tấn/năm. Còn nếu đưa phân bón lên thị trường Tây Nguyên việc tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng vì đầu ra nông sản đang gặp khó, mất giá. Do đó, thị trường xuất khẩu là hướng đi để các doanh nghiệp sản xuất phân NPK tìm chỗ đứng, giữ vững sản lượng không bị sụt giảm.

Nguồn: