"/>"/>

DN và nông dân “chết” vì phân bón giả

08:19 SA @ Thứ Tư - 18 Tháng Chín, 2013

Trong những năm gần đây, phân bón giả, kém chất lượng nhái theo phân bón thật, không chấp hành ghi nhãn mác đúng quy định... đã gây ngộ nhận, dẫn đến bón phân lá héo, cây khô, thiệt hại cho nông dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, đã có 917 tấn phân bón giả bị bắt. Tuy nhiên con số này cũng chưa thể thống kê hết nạn phân bón nhái, giả, kém chất lượng.

Thất thu vì hàng rởm

Một số bà con nông dân ở xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm đồng kêu trời “không thấu” khi vụ mùa vừa qua làm cỏ và bón phân tuân thủ đúng theo quy trình được tập huấn ở trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, nhưng rẫy cà phê vẫn héo lá, thối cành, trái ra lưa thưa. Bà Đoàn Thị Sửu cho biết : “Nghe đại lý quảng cáo NPK tan nhanh 20-5-5-13S+ TE của Cty CP Việt Mỹ (AVF) dùng rất tốt “chống vàng lá, rụng trái non”, tôi mua về bón, ai ngờ cây cà phê rụng hết lá, rụng hết hoa, cây con bị chết. Khi đến kiện đại lý, họ chối. Năm nay nhà tôi thất thu, thiệt hại gần 2 tấn cà phê tương đương 80 triệu đồng”. Đây chỉ là một trong số bà con trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mua nhầm phân bón kém chất lượng làm thiệt hại đến mùa màng.

Khó cho việc quản lý

Một chủ DN sản xuất phân bón lâu năm trên thị trường cho biết : “Khi thấy Cty nào bán hàng tốt, phân bón chất lượng, lập tức các Cty khác làm nhái, ăn theo. Chưa nói là phân bón giả, chỉ cần thiếu một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu như đạm, lân, kali, lưu huỳnh, magiê, canxi, kẽm, sắt, đồng, mangan, molypđen... cũng đều làm cà phê vàng lá, rụng lá, rụng trái. Trong khi thị trường, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã lên đến mức báo động. Việc thổi phòng các nguyên tố trung, vi lượng của các sản phẩm phân bón rõ ràng đã gây tác hại cho cây trồng. Nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng nhưng vẫn cứ lưu hành trên thị trường” - vị DN này cho biết.

Cũng theo nguồn từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), “Hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất và 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, mặt hàng phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. vì vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, tham gia kinh doanh, gây khó khăn cho công tác quản lý chất lượng phân bón và gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp.

Box: Nhiều sản phẩm phân bón thiếu đến 80% hàm lượng chất dinh dưỡng nhưng vẫn cứ lưu hành trên thị trường.

Cảnh tỉnh

Theo biên bản xử phạt đội QLTT cơ động của Chi cục QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra đột xuất tại 3 cửa hàng nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp trong các ngày 13,14,15/8/2013 tại các hàng phân bón Mai Phương (số 152, quốc lộ 14, thôn 6, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột); Cửa hàng phân bón Mỹ Trang (số 21, tỉnh lộ 8 xã Cư Suê, huyện Cư Magar); Cơ sở kinh doanh phân bón Tý Nhuần (thôn 1, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã phát hiện 47,65 tấn phân NPK loại 20-6-5-13S+TE và 20,65 tấn phân bón PEP tăng lực của AVF với nhiều sai phạm: Phân bón không đảm bảo chất lượng, vi phạm nhãn mác hàng hóa và đã xử phạt 114 triệu đồng.

Theo các biên bản xử phạt, những lỗi mà các sản phẩm phân bón của AVF mắc phải là vi phạm nhãn mác hàng hóa: không ghi địa chỉ nơi sản xuất, không có đơn vị chủ quản, dấu hiệu, hình vẽ, chữ viết không đúng sự thật. Ví dụ, đối với sản phẩm PEP, sản phẩm NPK 17-7-17- 13S+TE, sản phẩm Number One… chỉ ghi nơi sản xuất ra hàng hóa mà không ghi đơn vị chủ quản. In giải Bông lúa vàng nông nghiệp, cúp trâu vàng Đất Việt, huy chương vàng sản phẩm, nhưng thực chất sản phẩm này chưa được chứng nhận danh hiệu này; In dòng chữ trên bao bì “Made from USA Techonology” (Công nghệ Mỹ), nhưng thực tế, những sản phẩm này được sản xuất trên dây chuyền công nghệ thông thường do một Cty trong nước chế tạo lắp đặt. ..

Nguồn: