Mạnh tay “trảm” phân bón kém chất lượng

04:20 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Tư, 2013

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây thị trường phân bón, các mặt hàng VTNN kém chất lượng đã bắt đầu hoạt động trở lại, thậm chí có Cty SX phân bón còn bị một số đối tượng làm giả gây lo ngại cho bà con nông dân trước vụ lúa HT sắp tới.

Thanh tra than mỏng

Để bà con yên tâm bắt tay vào SX vụ HT, thanh tra nông nghiệp trong vùng bán đảo Cà Mau đã không ngừng tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị kinh doanh phân bón trên địa bàn, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nông dân trong SX.

Vùng bán đảo Cà Mau có diện tích đất SX nông nghiệp hơn 1 triệu ha, do đó lượng phân bón bà con nông dân cần trong từng vụ mùa SX là rất lớn. Trong những năm qua đã có không ít trường hợp người dân bị “tiền mất tật mang” do mua nhằm phân bón giả hay phân bón kém chất lượng bón cho cây lúa.

Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, công tác thanh tra, xử lý đơn vị kinh doanh phân bón, các mặt hàng VTNN kém chất lượng còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, với vai trò và trách nhiệm của mình, thời gian qua đơn vị đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, mua bán phân bón, VTNN trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để cho phân bón dỏm có điều kiện hoạt động, gây thiệt hại cho nông dân.

Cũng theo ông Tài, trong năm 2012, thanh tra sở đã tiến hành kiểm tra lĩnh vực VTNN 38 đợt/112 cơ sở, lấy 106 mẫu đi kiểm tra, trong đó chỉ có 25 mẫu đạt chất lượng, còn lại 81 mẫu không đạt. Số vụ vi phạm là 140 vụ (tăng 129,5% so với cùng kỳ), xử lý 135 vụ, thụ phạt gần 900 triệu đồng.

Trong những tháng đầu năm 2013, thanh tra sở đã tiến hành kiểm tra 8 đợt/18 cơ sở, lấy 4 mẫu gửi đi kiểm nghiệm và đang chờ kết quả. Cũng trong quý I, đã phát hiện và xử lý 18/18 vụ vi phạm, thu phạt gần 32 triệu đồng. “Thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm soát, nhất là vào thời điểm nông dân trong tỉnh SX vụ lúa HT”, ông Tài nói.

Công tác thanh tra, kiểm soát phân bón, VTNN cũng được Thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu tiến hành kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch. Theo báo cáo, trong năm 2012, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 636 cơ sở, trong đó số vụ vi phạm lên đến 270 vụ. Chuyển cơ quan khác xử lý 2 hồ sơ vi phạm. Trong đó có 1 hồ sơ tham mưu và chuyển UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính về việc kinh doanh phân bón giả với số tiền 35 triệu đồng. Đồng thời thanh tra sở đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Phòng An ninh kinh tế tỉnh yêu cầu phối hợp làm rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm vụ vi phạm.

Cụ thể, trong tháng 3/1012, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở kinh doanh VTNN Huỳnh Gia, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) có mua bán một lượng lớn phân bón kali giả chứa trong 23 bao, với trong lượng 1.150 kg. Riêng quý I năm 2013, thanh tra sở đã tiến hành kiểm tra 80 cơ sở kinh doanh hàng hóa VTNN, trong đó phát hiện 41 vụ vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 258 triệu đồng.

Ông Võ Thanh Hải, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết, công tác thanh tra còn nhiều hạn chế do lực lượng còn quá mỏng, phương tiện, dụng cụ phục vụ cho hoạt động còn thiếu… điều quan trọng là một số văn bản quy phạm pháp luật áp dụng cho việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính ở các lĩnh vực do ngành nông nghiệp quản lý còn có điểm, nội dung chưa được chặt chẽ, còn chồng chéo, mức phạt còn quá thấp chưa mang tính răn đe.

Chất lượng “hên xui”

Trong khi ngành chức năng đang khẩn trương vào cuộc truy quét các mặt hàng phân bón, VTNN dởm thì nhiều nông dân vẫn tỏ ra lo lắng cho việc SX của mình. Một thực tế cho thấy họ mua phân bón về sử dụng theo kiểu “hên xui” vì không có cách để kiểm tra được chất lượng có tốt hay không.

Nông dân Nguyễn Văn Mol, huyện U Minh (Cà Mau) lo ngại: “Bây giờ có quá nhiều mặt hàng phân bón, Cty nào cũng muốn bán được hàng nên tung nhiều chiêu tiếp thị, quảng cáo đôi khi không đúng với chất lượng của chúng. Trong khi nông dân thì “mù” về chất lượng thực của các loại phân bón này. Nếu mua nhằm phân bón giả, bị mất tiền thì không ăn thua gì, quan trọng là năng suất vụ mùa đó bị thiệt hại”.

Tương tự, lão nông Nguyễn Văn Khởi, ngụ cùng địa phương có gần 1 ha đất SX lúa cũng đang đau đầu trong việc chọn lựa phân bón. Ông Khởi nói: “Ngày càng có nhiều đại lý nhỏ lẻ ra đời, mỗi đại lý có mỗi cách tiếp thị sản phẩm của mình nên nông dân chúng tôi rất khó chọn lựa. Một số người có tiền mua được phân bón có thương hiệu lớn nên an tâm hơn, còn đối với người ít tiền thì phải mua chịu từ các đại lý. Do đó chỉ khi bón xuống thấy cây lúa bị ảnh hưởng mới biết phân bón đó không tốt, rồi lại đi mua loại phân bón khác mà bón tiếp tục”.

Theo ngành chức năng, hiện lượng phân bón được tiêu thụ qua nhiều trung gian (đại lý cấp I, II, III…) đã phần nào gây khó khăn cho công tác quản lý. Chính vì vậy để công tác thanh tra ngày càng có hiệu quả thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp. Đặc biệt là phải xử lý thật mạnh tay đối với các trường hợp phân bón dởm, có thế nông dân mới yên tâm SX.

Nguồn: