Khi cuộc chiến tranh Nga-Ucraina bắt đầu vào tháng 2/2022, giá phân bón đang trong xu hướng tăng. Đại dịch COVID-19 mang theo sự rối loạn của chuỗi cung ứng và những nút thắt cổ chai trong hoạt động vận chuyển đã thách thức khả năng của thế giới trong sản xuất và cung ứng phân bón. Tháng 8/2021, giá phần lớn các loại phân bón đã tăng cao hơn 25% so với tháng 3/2021. Cuộc tấn công của Nga đầu năm 2022 càng làm tăng thêm những rối loạn trong hoạt động vận chuyển ở vùng Biển Đen và kéo theo những hạn chế mới trong thương mại quốc tế. Nguồn cung vốn đã hạn hẹp khiến cho giá phân bón tăng hơn 50% chỉ sau một thời gian ngắn, từ tháng 2 đến tháng 4/2022.
Vì phân bón là đầu vào quan trọng đối với sản xuất ngũ cốc, tình trạng thiếu phân bón và giá cao đã ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm. Theo Cục Nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, chi phí phân bón chiếm gần 45% chi phí vận hành của các trang trại trồng lúa mì và ngô, trong khi đó chỉ chiếm 23% ở các trang trại trồng đậu nành. Đứng trước tình hình giá phân bón cao, những người nông dân có thể điều chỉnh phương thức canh tác của mình. Họ có thể sử dụng phân bón còn lại từ các vụ mùa trước, giảm diện tích gieo trồng một số loại cây hoặc chuyển sang trồng những loại cây cần ít phân bón hơn như đậu nành. Vì vậy, năm 2022 diện tích trồng ngô và lúa mì ở Mỹ đã giảm nhưng diện tích trồng đậu nành lại tăng. Một số nông dân có thể chỉ đơn giản là giảm lượng sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất thu hoạch thấp hơn và cuối cùng khiến cho giá nông sản tăng cao.
Khi mâu thuẫn ở vùng Biển Đen kéo dài đến năm thứ 2, giá phân bón đã giảm, nhưng những trở ngại thương mại vẫn tiếp tục góp phần gây ra nhiều bất ổn trên thị trường toàn cầu. Nhờ giá phân bón giảm, diện tích trồng ngô và lúa mì tại Mỹ tăng trở lại (theo thống kê tháng 6/2023 của Bộ Nông nghiệp Mỹ), nhưng diện tích trồng đậu nành giữ nguyên. Trong khi đó, giá nông sản trên thị trường đã tăng.
Những hạn chế mới về thương mại phân bón
Năm 2020, Nga và nước láng giềng Belarut là những quốc gia xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới, chiếm gần 20% khối lượng xuất khẩu 3 loại phân bón chính N, P và K trên thị trường toàn cầu. Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu lớn thứ hai với 12,2%, tiếp theo là Canađa, Mỹ và Marốc. Theo Ngân hàng thế giới, Nga chiếm 16% khối lượng xuất khẩu urê và 12% khối lượng xuất khẩu phân lân. Tổng cộng, Nga và Belarut cung cấp 40% phân lân xuất khẩu trên toàn cầu. Năm 2020, Mỹ là thị trường đích chủ yếu cho phân bón xuất khẩu từ Nga và Belarut, tiếp theo là Braxin, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy là quốc gia sản xuất phân đạm và phân lân hàng đầu thế giới, Mỹ vẫn nhập khẩu những lượng lớn phân kali từ Nga.
Nhưng ngay từ trước khi Nga tấn công Ucraina, những hạn chế thương mại đã cản trở dòng thương mại phân bón trên thế giới. Năm 2021, Liên minh châu âu và Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên phân kali nhập khẩu từ Belarut. Tháng 7/2021, Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm xuất khẩu phân lân để bảo vệ nguồn cung cho thị trường trong nước.
Tháng 2/2022, sau khi Nga tấn công Ucraina, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những ông trùm trong ngành phân bón Nga và hoạt động xuất khẩu phân kali của Nga. Quyết định này cũng hạn chế sự vận chuyển phân bón qua lãnh thổ EU. Tháng 3/2022, Canađa đã đánh thuế 35% lên phân bón từ Nga. Đồng thời, Nga cấm xuất khẩu phân amoni nitrat cho đến tháng 5/2022. Nhưng mặt khác, để tránh thiếu nguồn cung phân bón dẫn đến tăng giá, Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt lên phân bón của Nga. Tháng 7/2022, Bộ Tài chính Mỹ ban hành công văn nêu rõ việc bán hoặc vận chuyển phân bón của Nga đến Mỹ được miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Với những lo ngại ngày càng tăng về an ninh lương thực trên thế giới, tháng 12/2022 EU đã giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt bằng cách cho phép các nước thành viên EU gỡ bỏ việc đóng băng tài sản của các ông trùm trong ngành phân bón Nga nhằm hỗ trợ vận chuyển thực phẩm và phân bón. Trong khi đó, Nga đã đề ra quota xuất khẩu phân bón cho đến tháng 5/2023 để đảm bảo đủ nguồn cung phân bón cho nông dân của chính mình.Tháng 2/2023, Nga đã đánh thuế 23,5% lên những loại phân bón xuất khẩu có giá trên 450$/tấn.
Giá phân bón tăng sau khi Nga tấn công Ucraina
Nga cung cấp chủ yếu 5 loại phân bón sau cho thị trường thế giới: KCl hoặc MOP, Quặng phốtphat, DAP, Urê, TSP.
Trong mùa xuân 2022, giá của tất cả 5 loại phân bón trên đều tăng, nhưng giá MOP tăng rõ rệt hơn. MOP được xuất khẩu chủ yếu từ Nga và Belarut, tháng 4/2022 giá loại phân bón này đã tăng 53% so với tháng 1/2022, đây là mức tăng cao hơn tất cả các loại phân bón khác. Trong 3 tháng đó, giá quặng phốtphat đã tăng 38%, giá DAP tăng 36%, giá urê tăng 9%. Giá TSP tăng 27%, mặc dù các nước khác ngoài Nga cũng xuất khẩu loại phân bón này.
Khi các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut cản trở hoạt động thương mại phân bón trên thế giới, các công ty nhập khẩu và các nhà cung ứng khác đã thực hiện các điều chỉnh cần thiết. Những quốc gia nhập khẩu phân bón hàng đầu như Braxin đã chuyển sang nhập từ các nước khác để tránh tình trạng thiếu hàng. Đứng trước sự gia tăng nhu cầu phân bón, các quốc gia cung ứng phân bón khác như Canađa và Marốc đã tăng công suất phân kali và phân lân. Hơn nữa, giá khí thiên nhiên - nguyên liệu quan trọng đối với các nhà sản xuất phân bón - tại châu âu đã giảm, hỗ trợ các nhà máy gia tăng sản lượng phân bón.
Tháng 3/2023, giá phân bón xuất khẩu đã trở về những mức thấp chưa từng thấy sau khi Nga tấn công Ucraina. Giá MOP và urê trở về mức của năm 2021, giảm 62% và 66% tương ứng so với mức đỉnh cao tháng 4/2022. Trong khi giá MOP giảm đều đặn, giá urê đã dao động ở mức vừa phải vào giữa năm 2022. Giá DAP và TSP cũng giảm hơn 36% so với tháng 4/2022. Trái lại giá quặng phốtphat tiếp tục tăng.
Giá phân bón cao khiến cho giá nông sản tăng
Phân bón là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất lương thực, đặc biệt là các loại ngũ cốc chính, vì vậy giá phân bón tăng có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực. Nếu người nông dân hạn chế lượng sử dụng phân bón do giá cao, năng suất thu hoạch của họ sẽ giảm. Nông dân ở các nước thu nhập trung bình và thấp có xu hướng sử dụng ít phân bón hơn, vì vậy việc giảm lượng phân bón có thể làm giảm tiếp năng suất thu hoạch của họ.
Chiến dịch tấn công của Nga vào Ucraina khiến cho giá phân bón tăng, giá ngũ cốc cũng tăng theo, đạt mức đỉnh cao vào tháng 5/2022. Nhưng việc giảm nhẹ các hạn chế xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt cũng như việc mở cửa trở lại một phần tuyến đường trung chuyển qua Biển Đen đã góp phần vào sự hồi phục của thị trường ngũ cốc trong năm 2022. Thị trường lúa mì đã đứng vững trước sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu qua Biển Đen nhờ các quốc gia nhập khẩu tìm thấy các nhà cung ứng thay thế từ Ôxtrâylia, EU và Canađa.