"/>
Đã bước sang tháng 9, vụ hè thu đã tạm lắng thì nỗi lo tiêu thụ hàng tồn kho phân bón tổng hợp DAP của Cty TNHH MTV DAP Đình Vũ- DN 100% vốn của Tập đoàn Hoá chất VN (Vinachem) càng trở nên khó khăn. Hiện sản phẩm đang bị cạnh tranh dữ dội với hàng DAP nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc. Giá bán hạ liên tục nhưng tiêu thụ vẫn cầm chừng.
Lo hàng tồn kho
Trước những khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, TGĐ DAP Đình Vũ (Hải Phòng) ông Nguyễn Văn Sinh – không giấu nổi lo lắng: Sản lượng của nhà máy trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 38,4% so với kế hoạch. 7 tháng, sản lượng DAP mới đạt trên 150.000 tấn (trong khi kế hoạch cả năm tập đoàn giao là 330.000 tấn), nhìn thấy rõ là không đạt kế hoạch.
Nguyên nhân chủ yếu và quan trọng nhất là tiêu thụ gặp khó khăn. Tính đến hết tháng 7, lượng tiêu thụ mới đạt hơn 139.300 tấn. Thị trường chủ yếu của DAP Đình Vũ là các tỉnh phía bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng từ đầu năm đến nay miền Trung mưa không nhiều, nên nông dân giảm tiêu thụ phân bón. Đặc biệt giá caosu xuống thấp, các trang trại hầu như không thu hoạch mủ, mà chỉ cấp một ít phân để nuôi cây, nên lượng phân bón sử dụng rất thấp.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thuý- Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN- xác nhận: Việc tiêu thụ DAP trong nước thấp chủ yếu là do lượng DAP Trung Quốc tràn vào. Do mở cửa biên giới, DAP Trung Quốc được giảm thuế suất thuế xuất khẩu, nên đưa vào VN với khối lượng nhiều và giá thấp (có khi còn điều chỉnh giá hằng ngày). Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng DAP nhập về trong 6 tháng đầu năm tăng 59% so với cùng kỳ 2012. Nhưng đơn giá bình quân 6 tháng lại giảm 7,68% so cùng kỳ.
Vì vậy, để bán được hàng, từ đầu năm đến nay, DAP Đình Vũ đã phải 6 lần giảm giá (giá bán hiện tại đã thấp hơn 18,14% so với giá bình quân năm 2012). Mặc dù, Cty đã áp dụng thêm nhiều hình thức hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm như chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, giảm giá, chậm trả, hỗ trợ bảo lãnh ngân hàng, hỗ trợ vận chuyển... nhưng sản lượng tiêu thụ vẫn rất ỳ ạch.
Do sức ép tồn kho lớn (lượng tồn kho đến cuối tháng 7 của DAP Đình Vũ lên tới 62.651 tấn), nên có thời gian Cty phải giảm sản xuất để giảm tồn kho. Trong khi đó, theo ông Sinh, nhà máy gặp nhiều khó khăn khi nguồn nguyên liệu đầu vào từ than, quặng apatit, amôniắc, điện đều tăng cao, nhưng có thời điện lưới thường xuyên không ổn định (7 tháng- phát sinh 9 lần mất điện lưới), làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất của Cty.
Giá DAP còn tiếp tục hạ
Hiện tại, không chỉ giá DAP trong nước mà trên thị trường quốc tế, giá loại phân này đang yếu đi, dù trước đó nhiều thông tin cho rằng lượng cầu đang mạnh. Từ quý II, DAP Mỹ chỉ còn 490-495USD/tấn. Trong khi đó, Trung Quốc, nước XK DAP lớn thứ 2 thế giới cũng đang dư thừa nguồn cung là lý do khiến Chính phủ nước này phải giảm giá phân DAP thị trường nội địa và giảm thuế XK. Bị cạnh tranh mạnh nên giá DAP trong nước liên tục giảm.
Ông Sinh cho biết, với 6 lần giảm giá, giá bán DAP của Cty bình quân 6 tháng đầu năm là 10,151 triệu đồng/tấn, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục phải giảm nữa. Nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn vì giá DAP Trung Quốc trên thị trường tiếp tục giảm xuống rất thấp. Ông cho biết: “Ngày 19.8, Hàn Quốc đấu thầu DAP Đình Vũ chỉ còn 401USD/tấn. Nếu phải giảm giá tiếp thì giá bán DAP sẽ dưới giá kỳ vọng rất sâu, thấp hơn cả giá thành sản xuất của Cty.
Trước tình hình này, mới đây, DAP Đình Vũ đã gửi văn bản lên Tập đoàn Vianachem đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng năm 2013 từ 330.000 tấn xuống 270.000 tấn. Sản lượng 6 tháng cuối năm dự kiến là 143.274 tấn DAP. Tuy nhiên, với khó khăn như hiện nay, nếu từ nay đến cuối năm, sản phẩm vẫn tiêu thụ chậm, Cty tiên lượng rằng mức sản lượng DAP sản xuất trên cũng khó có thể đạt được.