"/>
Cơ quan chức năng cho biết, thời gian qua đã tịch thu gần 920 tấn phân bón giả, trong đó có những lô phân bón giả, chất lượng chỉ ngang với… đất. Trong khi người nông dân "thiệt đơn, thiệt kép", người bán thì "giỡn mặt" cơ quan chức năng vì mức xử phạt thấp.
Muối ăn + phẩm màu = phân kali
Thống kê của bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2013, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm trong sản xuất và kinh doanh phân bón. Đã có gần 1.400 vụ vi phạm trong kinh doanh, sản xuất phân bón bị xử lý với tổng tiền phạt hơn 17,2 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Đặc biệt, có những vụ việc, phân bón giả, kém chất lượng bị thu giữ có số lượng lớn lên đến 225 tấn phân DAP do Trung Quốc sản xuất.
Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, đa số phân bón kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường là phân NPK, hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh vì các loại phân bón này có nhu cầu tiêu thụ lớn, dễ pha trộn nên dễ làm giả hoặc giảm chất lượng và bán với giá rẻ hơn. Đặc biệt, phân kali bị làm giả nhiều nhất, bởi chỉ cần mua gạch non về nghiền, trộn với muối và bột màu là có hàng bán ra thị trường. Điển hình như vụ làm giả phân kali của một công ty ở Cần Thơ, khi cơ quan chức năng phát hiện, đưa mẫu sản phẩm đi kiểm tra, phân tích, kết quả cho thấy loại phân bón giả này chỉ có muối ăn và phẩm màu.
Ông Nguyễn Đắc Tranh, hội viên hội Nông dân xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, thôn có 300 hộ thì 200 hộ đã mua phải phân bón giả, không hòa tan được và bị vón hòn. Ông Tranh chia sẻ, đáng lẽ, phần chi phí cho phân bón là 4 triệu đồng nhưng vì mua phải phân bón giả, kém chất lượng nên bà con nông dân lại phải mua bổ sung phân bón để bón tiếp, mất thêm 2 triệu đồng nữa, nếu không cây lúa sẽ không phát triển, dẫn đến mất mùa.
Bóc mẽ về thị trường phân bón đang hoành hành, bên lề hội nghị về phân bón tại TP.HCM vừa qua, ông Nguyễn Đình Hạc Thuý- phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Phân bón Việt Nam đưa ra thông tin, có địa phương, cả tỉnh là phân bón giả.
Trao đổi với PV, ông Thuý cho biết: "Không chỉ có một tỉnh mà một vài tỉnh ở tình trạng như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể cung cấp số liệu. Vì thời gian tới, bên công an và quản lý thị trường cùng phối hợp "làm điểm" ở một vài tỉnh "nóng". Có nơi chuyên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chuyên sản xuất phân bón đến nơi chuyên cung cấp nhiên liệu đó nhập về để sản xuất. Thế nhưng, cái nguyên liệu đó không phải trong danh mục để làm phân bón".
Theo ông Thuý, các thủ đoạn làm giả phân bón hiện nay là những tổ hợp nhỏ lẻ nơi vùng sâu vùng xa, nhái nhãn mác của những thương hiệu uy tín. Hiện, cơ quan chức năng đã phát hiện có hơn 100 cơ sở nhỏ lẻ và trên 30 công ty làm nhái nhãn hiệu đang bán sản phẩm trên 40 tỉnh, thành. Hàm lượng dinh dưỡng được quảng cáo trên bao bì là 53% nhưng khi cơ quan chức năng kiểm định thì tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,9%... Những lô phân bón giả này chất lượng chỉ ngang... với đất.
Nói về các chiêu thức làm phân bón giả hiện nay, ông Thúy cho hay: "Nhiều cơ sở đã lợi dụng hội Nông dân ký hợp đồng tín chấp để lấy lòng tin của người nông dân. Ban đầu, họ đưa ra phân bón chất lượng nhưng đến khi bán đại trà lại là phân bón giả". Cách đây không lâu, thông qua hợp đồng tín chấp và sự giới thiệu của hội Nông dân, công ty CP Quốc tế Động Trung đã bán cho nông dân xã Gia Hiệp, tỉnh Lâm Đồng 140 tấn phân bón. Người nông dân mang về bón, sau 2 tuần, cà phê và ngô chết dần.
Dân lao đao mất mùa, phạt bèo bọt
Trong khi người nông dân bị thiệt hại nặng nề, thậm chí mất trắng do mua phải phân bón giả thì cơ chế xử phạt chưa mang tính răn đe, địa phương xuề xòa, lực lượng thanh tra, quản lý mỏng, đối tượng lại nhiều thủ đoạn nên vẫn chưa thể dẹp loạn được thị trường phân bón.
Tại cuộc hội thảo về phân bón mới đây, ông Đặng Thanh Nhàn, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông phản ánh, ngày 25/5/2013, gia đình ông đã mua 3 tấn phân của CTCP Vật tư Tổng hợp và Phân bón hóa sinh để bón cho 3 hecta cà phê đang trong thời kỳ phát triển, trái non. Thế nhưng, được bón phân xong, cây lại không xanh tốt mà héo rũ, lá và trái non rụng nhiều, còn lượng phân đã bón thì không tan (dù có mưa) và đóng rêu. Kết quả là ông Nhàn vừa mất tiền (42 triệu đồng), vừa mất mùa gây thiệt hại lớn cho gia đình ông. Sau đó, ông Nhàn làm đơn lên các cơ quan chức năng, mức xử phạt mà UBND tỉnh Đắk Nông đưa ra cho CTCP Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh là 55 triệu đồng do vi phạm hành chính sản xuất phân bón không đạt mức sai số định lượng cho phép mà không hề tiến hành đền bù thiệt hại cho gia đình ông Nhàn.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: "Phân bón giả, nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người nông dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Nguyên nhân là do lợi nhuận rất cao từ buôn lậu, đối tượng làm ăn phi pháp sử dụng nhiều thủ đoạn, thậm chí chống trả quyết liệt. Trong khi đó, hệ thống cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Có ý kiến cho rằng phân bón giả là nguyên nhân gây mất mùa, sản lượng kém".
Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thuý, sự lộn xộn của thị trường phân bón hiện nay là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện, phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện, có giấy chứng nhận hoặc giấy phép. Bởi thế, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia.Vì thế, việc thanh kiểm tra là phải truy xuất từ nguồn gốc chứ không chỉ xử lý riêng đại lý.
Ông Thuý cho rằng, cần có Nghị định mới về quản lý phân bón, thay thế Nghị định 113 và Nghị định 191 hiện hành. Dự thảo hướng tới việc phân công rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về phân bón, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp phép sản xuất phân bón nhằm loại bỏ những cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, trong lúc chờ Nghị định, đề nghị các tỉnh biên giới, các lực lượng công an, thanh tra, nông nghiệp, quản lý thị trường họp lại, mở những chiến dịch truy quét hiện tượng gian lận thương mại, đưa phân bón từ Trung Quốc vào trong nước để đóng bao. Bên cạnh đó, các lực lượng này cùng phối hợp đồng loạt, kiểm tra chất lượng sản phẩm phân bón, đặc biệt trong việc cấp giấy phép ở một số tỉnh. Thực tế hiện nay, chúng ta còn lỏng lẻo trong công tác giám sát, thanh tra.
Để ngăn chặn tình trạng phân bón giả hoành hành trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng trong việc quản lý Nhà nước do 5 Bộ quản lý là: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Công an.