"/>
Tình trạng các loại phân bón thiếu hàm lượng các chất dinh dưỡng so với tiêu chuẩn công bố; phân bón bị pha trộn thêm gạch non, bột đá, đất sét, bột cao lanh, muối, phẩm màu… đó là vấn đề khiến nhiều người quan tâm tại hội thảo “Thực trạng thị trường phân bón” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT cùng phối hợp tổ chức ngày 20/9.
Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Phân bón nhái nhãn mác được làm ở một số công ty, tổ hợp nhỏ lẻ, nơi vùng sâu, vùng xa hẻo lánh. Một số đơn vị ở các địa bàn tỉnh Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đồng Nai, Hải Phòng, Phú Yên, Thanh Hóa… bị phát hiện là in nhãn mác của các công ty: Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Phân bón Supe Phốt phát Lâm Thao, Công ty Phân bón miền Nam, Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Tập đoàn Quế Lâm…
Ngoài bao bì ghi tổng hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng khi cơ quan chức năng bắt kiểm định thì phát hiện tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,99%... Nhiều đơn vị đã dùng “chiêu độc” để lừa người nông dân bằng cách thông qua giới thiệu của Hội Nông dân hoặc tổ chức hội thảo để quảng bá chất lượng sản phẩm, sau đó tặng ngay một túi sản phẩm để bà con về sử dụng thử.
Với kiểu lừa này, ông Nguyễn Hạc Thúy đã “điểm tên” một số doanh nghiệp như: Công ty VD TP Hồ Chí Minh thuê một quán cà phê ở Tiền Giang để tổ chức hội thảo mời nông dân đến uống cà phê thuyết trình tuyên truyền phân bón đặc hiệu. Nông dân mua về bón cho hoa đều bị chết; Công ty Thaibico (Tây Ninh) liên hệ với Hội Nông dân huyện Cư Jut nhờ tập hợp nông dân để tổ chức hội thảo.
Thabico giới thiệu phân bón ưu việt, biếu cho mỗi người đến dự một túi mẫu phân bón, nông dân mang về dùng thử và chấp nhận được. Nông dân mua trên 100 tấn về bón, kết quả là cà phê, ngô bón loại phân này bị rụng lá chết hàng loạt…
Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đánh giá: “Tình hình vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Có nhiều vụ vi phạm lớn liên quan đến nhiều địa bàn, thậm chí có cả yếu tố nước ngoài như việc phân bón kém chất lượng được sản xuất tại Trung Quốc”.
Đại diện Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an cho biết: Cần triển khai hiệu quả hoạt động phối hợp giữa các cơ quan về chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả đã được ký kết giữa Cục Cảnh sát kinh tế với Hiệp hội Phân bón, Cục Hóa chất, Cục Trồng trọt, Cục QLTT.
Tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền để nông dân phân biệt phân bón thật - giả và tác hại của phân bón giả