"/>
Với cơ cấu cây trồng chuyển đổi đúng hướng, nông nghiệp tỉnh ta với diện tích cây lâu năm từ 30,7% (năm 2010) tăng lên 32,2 % (năm 2012). Diện tích đất lúa được quản lý chặt chẽ, đến nay đất sản xuất lúa toàn tỉnh đạt trên 50.000 ha, đảm bảo quy hoạch Chính phủ giao đến năm 2015 (49.000 ha). Diện tích trồng thanh long khoảng 20.000 ha…
Với diện tích các loại cây trồng nêu trên cần một lượng rất nhiều phân bón, thuốc trừ sâu, thế nhưng phân bón, thuốc trừ sâu đâu là thật, đâu là giả, loại kém chất lượng, loại hết hạn sử dụng… đang là mối lo cho người nông dân. Chuyên đề này với mong muốn có sự đóng góp ý kiến của bạn đọc, nhất là bà con nông dân về thực trạng này và góp ý cho những giải pháp để phòng, chống hiệu quả việc sản xuất và tiêu thụ phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng...
Thực trạng
Trên địa bàn toàn tỉnh có 8 cơ sở sản xuất phân bón, 15 doanh nghiệp, 505 cửa hàng và đại lý nhỏ lẻ kinh doanh phân bón. Với số lượng cơ sở sản xuất phân bón nói trên là không nhiều, quy mô sản xuất ở mức trung bình, chủng loại sản xuất chủ yếu tập trung một đến hai sản phẩm chủ lực và một số cơ sở bán ra ngoài tỉnh. Do đó, số lượng phân bón cung cấp cho thị trường Bình Thuận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nhân dân. Vì vậy các sản phẩm sản xuất ngoài tỉnh mẫu mã, chủng loại đa dạng, nhất là sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng như: Năm Sao, Bình Điền, Yara, Con Cò… được người dân tin tưởng và sử dụng nhiều đã góp phần ổn định giá cả trên thị trường trong tỉnh, bổ sung nguồn phân bón đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của nông dân. Trong đó, giá một số loại phân bón có xu hướng giảm nhẹ từ 500 đồng - 1.000 đồng/ kg so với năm 2011 như: phân NPK, Năm Sao 20-20-15, phân lân Lâm Thao, phân DAP, phân Kali-clo… Song từ cuối năm 2012 đến nay, do nhu cầu phân bón của nông dân tăng cao nhất là phân bón cho cây thanh long, cao su… nên một số loại phân bón tăng giá nhẹ. Tuy giá tăng cũng là nỗi lo, nhưng lo hơn là tình trạng phân giả, phân không đủ chuẩn, phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn xuất hiện tại nhiều cơ sở đại lý gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nông dân.
50% số mẫu phân bón kiểm tra không bảo đảm chất lượng
Theo ông Tiếu Hoa Năng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: “Từ đầu năm 2012 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra 238 vụ đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 33 vụ. Các vụ vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón không đạt mức công bố tiêu chuẩn; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký; không niêm yết giá; kinh doanh hàng quá hạn sử dụng…số tiền xử phạt lên đến 556,9 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu 5.000 kg phân NPK cao cấp Hà Lan kém chất lượng; buộc tái chế 20.850 kg phân bón kém chất lượng…”
Qua lấy 27 mẫu phân bón của 16 cơ sở đi thử nghiệm, cho thấy 13/27 mẫu được lấy tại 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn và 14/27 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm hơn 50% số mẫu) và đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính 9 cơ sở. Điển hình là vào giữa năm 2012, đã phát hiện tại cơ sở phân bón Bang Phương (Tân Hà, Đức Linh) đang kinh doanh 70 kg phân bón trung vi lượng Sitto -V siêu kẽm đã hết hạn sử dụng. UBND huyện Đức Linh đã ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng và buộc tiêu hủy 70 kg phân bón. Vào giữa tháng 7/2012 lực lượng quản lý thị trường kiểm tra Công ty TNHH thương mại, sản xuất Hoàn Thiện (Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc), đã tiến hành lấy 3 mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng. Kết quả mẫu phân bón NPK 20-20-15 TE do Nhà máy phân bón Bình Điền - Long An sản xuất không đạt mức công bố tiêu chuẩn áp dụng. Số lượng hàng tồn kho tại thời điểm kiểm tra là 1.500 kg phân bón NPK. Vụ việc được UBND tỉnh xử phạt hành chính 70 triệu đồng. Cuối quý 3/2012 Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Hoàng Quân (Tân Thiện, La Gi) lấy mẫu của lô 8.750 kg phân NPK cao cấp Hà Lan 120 do Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu nông nghiệp Lộc Thành Nam sản xuất (tỉnh Bình Dương) để thử nghiệm. Mẫu lô hàng trên không đạt mức công bố tiêu chuẩn. UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng, tiến hành tịch thu, tái chế 5.000 kg phân bón NPK cao cấp Hà Lan 120.
Những kiến nghị
Qua các đợt kiểm tra việc kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy: Thị trường phân bón giá cả tương đối ổn định, nhưng tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn bày bán tại nhiều cơ sở. Số lượng mẫu thông qua kiểm tra 50% không đạt yêu cầu về chất lượng, trong đó có sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường trong tỉnh và có sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng; tập trung chủ yếu là phân vô cơ của một số công ty như: Công ty TNHH TM-SX Phước Hưng; Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông nghiệp Lộc Thành Nam; Công ty TNHH SX-TM-DV Bốn Mùa; Công ty CP vật tư tổng hợp và phân bón Hóa Sinh; Công ty TNHH đầu tư TM-DV Minh Phát...
Từ thực tế nói trên, các đơn vị chức năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, gia công phân bón không đạt mức chuẩn công bố và sai số định lượng cho phép so với mức quy định từ 50-60 triệu đồng lên mức 70-80 triệu đồng, vì mức phạt cũ còn nhẹ, chưa đủ răn đe đối với các cơ sở sản xuất, gia công phân bón. Mặt khác, không nên áp dụng hình thức phạt bổ sung “Tịch thu để tái chế đối với số lượng phân bón không đảm bảo chất lượng có giá trị trên 100 triệu đồng”, vì không phù hợp với tình hình thực tế, gây khó khăn cho lực lượng kiểm tra trong quá trình giải quyết vụ việc, chẳng hạn sau khi tịch thu lô hàng kém chất lượng thì việc tái chế lô hàng này sẽ do cơ quan nào chịu trách nhiệm? Trong khi lực lượng quản lý thị trường không có chức năng này.