Nam. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đã sản xuất, đáp ứng nhu cầu lớn về các loại phân bón, như: SA, Kali, DAP, Urea. Nhưng việc tự lực sản xuất vẫn chưa đem lại lợi ích cho người nông dân."/>Nam. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đã sản xuất, đáp ứng nhu cầu lớn về các loại phân bón, như: SA, Kali, DAP, Urea. Nhưng việc tự lực sản xuất vẫn chưa đem lại lợi ích cho người nông dân."/>

Phân bón: Tự lực tốt, vẫn… tăng nhập khẩu!

08:54 SA @ Thứ Năm - 20 Tháng Sáu, 2013

Không rầm rộ như ôtô, điện thoại, máy tính nhưng lâu nay, phân bón luôn là mặt hàng có lượng nhập khẩu (NK) lớn, tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đã sản xuất, đáp ứng nhu cầu lớn về các loại phân bón, như: SA, Kali, DAP, Urea. Nhưng việc tự lực sản xuất vẫn chưa đem lại lợi ích cho người nông dân.

Thống kê tình hình NK hàng hóa của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng phân bón NK trong tháng 4/2013 là 332.000 tấn, trị giá 132 triệu USD. Lượng phân bón NK đã tăng 34,7% và tăng 35% về trị giá so với tháng trước.

Nhập khẩu tăng cục bộ

Tính đến hết tháng 4/2013, tổng lượng phân bón NK các loại lên tới 1,08 triệu tấn, trị giá 441 triệu USD, tăng 22,3% về lượng và tăng 13,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, NK nhiều nhất là phân SA với 306.000 tấn, trị giá 63 triệu USD; tiếp đến là 256.000 tấn phân Kali với trị giá 118 triệu USD, 229.000 tấn phân DAP với trị giá 123 triệu USD. Riêng mặt hàng phân Urea chỉ NK 64.000 tấn, trị giá 24 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 28,2% trị giá. Phân bón được nhập chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản…

Lượng phân bón NK tăng cao trong mấy tháng qua dường như là ngược với dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Vì hồi đầu năm 2013, Bộ này dự báo năm nay, Việt Nam sẽ chỉ NK khoảng 2,5 triệu tấn phân bón các loại, giảm 1,5 triệu tấn so với năm 2012. Về nhu cầu, Việt Nam cần khoảng 10,325 triệu tấn, gồm 850.000 tấn phân SA, 950.000 tấn phân Kali, 900.000 tấn DAP, 3,8 triệu tấn NPK… Riêng với phân Urea, Bộ NN&PTNT dự báo là sẽ không NK do trong nước đã tự sản xuất, đáp ứng đủ nhu cầu.

Diễn biến tình hình NK phân bón thời gian qua cho thấy có sự chênh lệch khá lớn giữa dự báo và thực tế. Năm 2012, lượng phân bón NK vẫn tăng cao dù dự báo là chỉ NK khoảng 2,54 triệu tấn và không NK phân Urea. Nhưng tính đến hết tháng 12/2012, Việt Nam đã bỏ ra gần 1,6 tỷ USD NK gần 4 triệu tấn phân bón các loại. Lượng phân Urea đã nhập về lên tới 504.118 tấn (giảm hơn 55% so với năm 2011), là một con số đáng kể.

Ông Tuấn - Phó Giám đốc một công ty xuất nhập khẩu phân bón tại Hải Phòng, cho biết: "NK phân bón thường tăng cục bộ vào thời điểm mùa vụ của nông nghiệp. Ngoài ra, phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước. Đơn cử, DN NK phân SA về chế biến thành phân NPK, sau đó lại xuất khẩu đi nước khác, chứ không phải tất cả lượng nhập về đều bán cho nông dân".

Theo ông Tuấn, lượng phân bón nhập về và xuất đi thường nhiều hơn vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 6. Từ tháng 7, mặt hàng này lại phụ thuộc vào diễn biến của thị trường Trung Quốc. Do chính sách biên mậu của nước này có 9 tháng cấm xuất phân bón và đánh thuế cao tới 100% (từ tháng 10 và 11 đến tháng 6 năm sau). Và chỉ mở cửa xuất khẩu trở lại trong 3 tháng, giảm thuế xuống mức 7%. Vào thời điểm này, các thương nhân cũng ồ ạt nhập hàng, khiến lượng phân bón NK tăng vọt.

Hiện nay, hai nhà máy phân đạm lớn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau có tổng Tổng công suất danh định đạt 1,6 triệu tấn Urea/năm. Nếu tính cả Nhà máy Đạm Ninh Bình (560.000 tấn/năm) và Đạm Hà Bắc (180.000 tấn/năm), thì về công suất thiết kế, lượng Urea trong nước sản xuất ra đã dư thừa so với nhu cầu của ngành nông nghiệp nội địa. Nhưng thực tế, lượng phân bón sản xuất được vẫn thấp hơn nhu cầu”.

Vấn đề khâu phân phối

Theo ông Tuấn, chất lượng phân Urea trong nước và hàng NK là ngang nhau, "Nhưng giá Urea NK linh hoạt hơn, còn giá hàng trong nước được niêm yết cố định, khiến các thương nhân khó điều chỉnh giá. Mà chính sách giá của nhà sản xuất và thời điểm là các yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn nguồn hàng".

Vấn đề lạ hơn là dù DN trong nước đã tự chủ sản xuất nhưng giá phân bón đến tay người nông dân vẫn chưa rẻ hơn hàng NK. Thậm chí, có thời điểm, giá phân bón nội còn cao hơn hàng ngoại.

Theo một số DN kinh doanh phân bón, nguyên nhân là do kênh trung gian phân phối hàng hóa. Theo đó, các loại phân bón đều phải trải qua tối thiểu 3 kênh phân phối, gồm các đại lý cấp tỉnh, cấp huyện và cửa hàng bán lẻ (cấp xã, thôn). Còn trên thực tế, có thể còn thêm kênh phân phối cấp vùng. Do đó, giá thành phân bón đến tay nông dân bao gồm cả chi phí chiết khấu cho các đại lý hoặc lãi suất của đại lý (trả chậm).

Mỗi DN sản xuất phân bón tổ chức mạng lưới phân phối khác nhau. Chẳng hạn, ở mỗi tỉnh, Đạm Ninh Bình chỉ có 1 đại lý cấp 1, vài đại lý cấp 2 và quy định đại lý không được bán hàng cho tỉnh khác.

"Tỷ lệ chiết khấu cho đại lý phụ thuộc vào số lượng nhập hàng. Ví dụ, nhập 1.000 tấn phân bón thì chiết khấu 1%, từ 5.000 tấn thì chiết khấu 2 - 5%. Với càng nhiều khâu phân phối thì giá thành phân bón đến tay nông dân càng cao", ông Tuấn nói. Như vậy, chỉ cần qua vài kênh phân phối, giá phân bón đến tay nông dân đã cao hơn từ 10 - 12% so với giá nhà máy. Trên thực tế, nông dân thường mua phân bón (cả NK và trong nước sản xuất) với giá cao hơn khoảng 20%.

Hiện nay, Đạm Phú Mỹ có hệ thống phân phối sản phẩm rộng lớn với nòng cốt là 4 công ty tại các thị trường trọng điểm. Sau đó là hơn 100 chi nhánh và đại lý cấp 1, gần 3.000 đại lý cấp 2. Từ hệ thống này, theo bản công bố thông tin ngày 18/1/2013, Đạm Phú Mỹ đặt chỉ tiêu đạt tổng doanh thu 10.710 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.915 tỷ đồng. Có nghĩa, tỷ suất lợi nhuận lên tới 19,79% tổng doanh thu - một con số lợi nhuận đáng mơ ước với nhiều DN sản xuất.

Nguồn: