Sẽ ra sao cục diện thị trường phân đạm năm 2013?

03:46 CH @ Thứ Sáu - 01 Tháng Hai, 2013

Năm 2013 các nhà sản xuất phân đạm trong nước sẽ gặp thử thách thực sự khi năng lực sản xuất lần đầu tiên đã vượt nhu cầu của thị trường nội địa. Đồng thời, dự báo về xu hướng giá cả của thị trường phân đạm thế giới có lợi cho người nông dân hơn là cho nhà sản xuất. Năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp phân đạm sẽ được bộc lộ rõ nét trong năm nay.

Thuận lợi đang cạn dần

2012 là năm thành công với tất cả bốn nhà sản xuất phân đạm, bao gồm hai gương mặt mới là Đạm Ninh Bình và Đạm Cà Mau. Cả hai đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), với sản phẩm mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ, và Công ty TNHH MTV Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC), với thương hiệu Đạm Cà Mau – hai nhà sản xuất phân đạm lớn nhất với tổng công suất 1,6 triệu tấn/năm, đều sản xuất và tiêu thụ vượt mức kế hoạch. Nhà máy Đạm Ninh Bình, dù mới có sản phẩm bán ra thị trường từ tháng 9-2012, nhưng đến cuối năm đã vận hành đến 85% công suất thiết kế (560.000 tấn/năm).

Năm 2012 nguồn cung phân đạm trong nước vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Đó là thuận lợi đầu tiên của các doanh nghiệp sản xuất. Theo Bộ Công Thương, sản lượng phân đạm sản xuất năm ngoái đạt 1,62 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn.

Diễn biến giá cả thị trường thế giới cũng ủng hộ các nhà sản xuất. Những tháng đầu năm, giá phân đạm tăng liên tục và đạt đỉnh trên 520 đô la Mỹ/tấn (giá FOB) vào cuối tháng 4-2012 và từ giữa năm 2012 ổn định quanh mức 390 – 400 đô la Mỹ cho đến nay.

Năm 2013, những thuận lợi đó sẽ không còn. Nếu hoạt động hết công suất, ngành phân đạm sẽ có sản lượng khoảng 2,36 – 2,4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vẫn chỉ là 2 triệu tấn. Cung vượt cầu cũng là xu hướng chung của thế giới. Theo nhà nghiên cứu và tư vấn thị trường phân bón Fertecon, nhu cầu tiêu thụ phân đạm toàn cầu đến năm 2015 sẽ tăng bình quân 3%/năm, trong khi đó nguồn cung sản phẩm này tăng tới 4,3%/năm. Fertecon dự báo giá phân đạm thế giới năm 2013 chỉ dao động quanh 365 -435 đô la Mỹ/tấn. Đó là áp lực đối với các doanh nghiệp phân đạm trong nước.

Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh phân bón của PVFCCo đánh giá về tình hình thị trường phân đạm Việt Nam năm 2013 như sau: “Lợi thế chuyển từ người bán sang người mua, khiến cho mức độ cạnh tranh ngày một thêm quyết liệt”.

Thắng, thua là ở năm này

Nhu cầu phân đạm trong nước hầu như đã ổn định ở mức 2 triệu tấn, trong đó 60% ở miền Nam, miền Bắc 25% và miền Trung chỉ có 15%. Nhưng, nguồn cung thì vẫn chưa dừng lại. Trong hai năm tới, nếu dự án mở rộng của Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thành và dự án Đạm Công Thanh vào sản xuất, năng lực sản xuất sản phẩm này sẽ vượt 3,2 triệu tấn/năm. Ngoài ra, không thể không kể đến nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh có khả năng làm “điên đảo” thị trường.

Có thể nói, 2013 là năm quan trọng để các doanh nghiệp xác định rõ vị trí của mình trên thị trường phân đạm.

Trong bốn nhà sản xuất, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc và PVFCCo là những doanh nghiệp có lợi thế của người đi trước. Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã khấu hao hết từ năm 2010. Doanh nghiệp này cũng có nguồn lực tài chính mạnh. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quí 3-2012, vốn bằng tiền và tương đương tiền của PVFCCo đến gần 5.700 tỉ đồng. Với ưu thế đó, PVFCCo có thể điều chỉnh giá cả một cách linh hoạt để giữ vững ưu thế cạnh tranh. Ngoài ra, PVFCCo và Đạm Hà Bắc, ngoài sản phẩm chính là phân đạm, còn kinh doanh nhiều loại hóa chất khác phục vụ cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp, nên có thể linh hoạt chuyển đổi sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đạm Cà Mau và Đạm Ninh Bình ít có được những lợi thế cạnh tranh đó. Vì là dự án mới, nên vấn đề bảo đảm dòng tiền để trả nợ vay đầu tư, trả lãi vay vốn lưu động sẽ là áp lực thường trực. Trong đó, vốn đầu tư xây dụng nhà máy của Đạm Cà Mau khoảng 780 triệu đô la Mỹ và Đạm Ninh Bình 667 triệu đô la Mỹ. Chi phí này sẽ tác động rất lớn lên giá thành sản phẩm của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhu cầu phân bón của thị trường không trải đều, mà mang tính mùa vụ rất cao, nên vấn đề tổ chức dự trữ và cung ứng có vai trò rất quan trọng. Cung ứng đúng lúc, đúng thời điểm là yếu tố sống còn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức hệ thống kho trữ và mạng lưới cung ứng. Đây cũng là thách thức đối với những công ty mới gia nhập thị trường.

Tuy nhiên, sản phẩmĐạm Cà Mau cũng có lợi thế riêng. Việc lựa chọn sản xuất đạm hạt đục, nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân tổng hợp NPK, đã giúp Đạm Cà Mau có ngay những khách hàng lớn là các doanh nghiệp sản xuất NPK trong nước. Năm ngoái, sản lượng phân NPK Việt Nam sản xuất lên đến 3,2 triệu tấn.

Lối ra ở xuất khẩu

Hy vọng giải quyết số phân đạm dư thừa, gần 400.000 tấn, nằm ở thị trường xuất khẩu. Điều may mắn cho Việt Nam là các nước trong khu vực Đông nam Á đang nhập phân đạm rất nhiều. Chỉ riêng bốn nước Thái Lan, Myanmar, Philippines, Campuchia đã có nhu cầu nhập đến 3,65 triệu tấn mỗi năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2012 Việt Nam xuất khẩu đến 1,345 triệu tấn phân bón các loại, tăng tới 25,4% so với năm 2011, với tổng kim ngạch hơn 554 triệu đô la Mỹ. Hầu hết phân bón xuất khẩu là NPK.

Riêng phân đạm, PVFCCo là nhà xuất khẩu lớn nhất với 100.000 tấn trong năm ngoái. Thị trường nhập khẩu chính là Myanmar, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch của Đạm Cà Mau cũng vào khoảng 40.000 – 45.000 tấn. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau còn xuất gián tiếp ra nước ngoài thông qua xuất khẩu phân tổng hợp NPK. Tương tự, Đạm Hà Bắc cũng đã xuất đi nhiều nước trong khu vực, bao gồm cả Úc.

Các nhà sản xuất trong nước đang xuất khẩu sản phẩm của mình với giá tương đương giá bán ở thị trường nội địa. Điều đó cho thấy sản phẩm của Việt Nam không chỉ đủ sức cạnh tranh về chất lượng mà còn có thể cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các bất lợi lớn về cơ sở hạ tầng thì các doanh nghiệp Việt nam sẽ cần nhiều sự nỗ lực trong việc gia tăng xuất khẩu nhằm tiêu thụ hết lượng phân đạm thừa. Đối thủ cạnh tranh đáng ngại nhất của Việt Nam là phân đạm của Trung Quốc và khu vực Trung Đông. Các công ty ở Trung Đông được hưởng lợi thế về nguồn khí đốt giá rẻ, nên sản phẩm của có rất cạnh tranh về giá cả. Còn Trung Quốc, với năng lực sản xuất 61 triệu tấn/năm, các doanh nghiệp của họ có thừa điều kiện để đưa ra các mức giá xuất khẩu mà không đối thủ cạnh tranh nào ở Đông nam Á có thể chịu đựng nổi. Cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho xuất khẩu, trong đó, đặc biệt là với các nhà máy nằm xa với khu vực cảng xuất nhập khẩu quốc tế cũng còn nhiều bất cập.

Nhìn chung, có thể thấy, trong cục diện thị trường năm 2013 và các năm tiếp theo, mỗi đơn vị sẽ có những thế mạnh riêng: PVFCCo vẫn là đơn vị có nhiều lợi thế nhất để duy trì vị thế dẫn đầu hiện có; PVCFC có ưu thế riêng về sản phẩm hạt đục Đạm Cà Mau và khả năng cung cấp cho các thị trường lân cận như Thái Lan, Campuchia; Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình cũng sẽ có những lợi thế nhất định trong việc cung cấp cho thị trường truyền thống và trọng điểm ở khu vực phía Bắc.

Nguồn: