"/>"/>

Thị trường phân bón : DN gia công “tấn công” DN sản xuất

08:53 SA @ Thứ Năm - 29 Tháng Tám, 2013

Những quy định lỏng lẻo tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về điều kiện sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón vô tình tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phân bón nhỏ lẻ, chất lượng kém phát triển, ảnh hưởng lớn tới các DN phân bón lớn.

Theo ông Trần Dũng - Giám đốc Cty Phân bón Mỹ Việt, hiện phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ điều kiện cần thiết nhưng vẫn được tham gia sản xuất, kinh doanh, dẫn tới tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng xuất hiện tràn lan.

Ông Dũng cho biết, mô hình chung của vấn nạn này là các đơn vị lập ra Cty nhưng không có nhà máy, nhân viên, chỉ có một người đứng chức danh giám đốc và trực tiếp bán hàng. Chủ yếu họ đặt hàng gia công từ những Cty khác, sau đó phân phối cho các đại lý dưới hình thức độc quyền. Thường thì mỗi huyện họ chỉ đặt một đại lý độc quyền, nhưng cũng đủ sức làm lũng đoạn thị trường phân bón.

Cụ thể, theo ông Dũng, trong khoảng 100 Cty sản xuất phân bón hiện nay ở TP HCM thì có tới 40 Cty đặt gia công, thậm chí có Cty đi làm gia công cho hơn chục Cty khác nên rất khó kiểm soát về mặt chất lượng.

Cũng theo ông Trần Dũng, hiện các loại phân bón kém chất lượng so với phân bón chất lượng chênh lệch trung bình khoảng 2 triệu đồng/1 tấn. Đơn cử, 1 bao phân lân 15 kg (loại kém chất lượng) thường bán với giá thấp hơn thị trường hơn 100.000 đồng. Chính sự cạnh tranh về giá của phân bón kém chất lượng đã ảnh hưởng lớn thị phần của các DN phân bón lớn mà như chia sẻ của ông Trần Dũng, trong khoảng 2 năm trở lại đây, sản lượng của Cty phân bón Mỹ Việt đã giảm đi 20% so với trước đó.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Qúi, PGĐ kinh doanh Cty TNHH TM-SX Phước Hưng cho biết, việc DN kinh doanh phân bón có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là điều quá dễ dàng, cái khó là giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón. Được biết, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón thì DN cần có chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, có công nghệ quy mô công nghiệp đạt tiêu chuẩn; Có phòng kiểm nghiệm phân tích chất lượng cho từng mẻ sản phẩm hoặc có hợp đồng phân tích còn hiệu lực với các phòng kiểm nghiệm hoặc tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón được công nhận hoặc chỉ định; Có đầy đủ phương tiện phòng chống cháy nổ; Có phương tiện kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại; Có diện tích nhà xưởng hoặc hợp đồng thuê kho chứa bảo quản phân bón phù hợp; Có biên chế hoặc thu đủ số lượng, chất lượng cán bộ ký thuật chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất phân bón… Tuy nhiên, do quy định hiện hành chưa bắt buộc tới loại giấy phép này nên nhiều đơn vị rất nhỏ, “thậm chí chỉ sử dụng cuốc xẻng trong khâu pha trộn khiến chất lượng phân bón không đảm bảo” vẫn rầm rộ hoạt động” - ông Qúi nhấn mạnh.

Để làm minh bạch thị trường phân bón, theo ông Quí, nội dung Thông tư 36/2010 cần phải được sửa đổi, đưa ra những quy chuẩn chặt chẽ, quy định rõ ràng: Bắt buộc các DN phân bón phải có nhà máy, có máy móc, nhân công… Tránh tình trạng họ lập Cty trên giấy rồi đi đặt gia công dẫn tới không thể kiểm soát được chất lượng và làm loạn thị trường phân bón.

Bà Đỗ Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) :
Khó xử lý triệt để

Nghị định về sản xuất kinh doanh phân bón, thay thế Nghị định 113 đang được Bộ Công thương xây dựng. Nghị định mới này thay thế Nghị định 113 theo hướng coi mặt hàng phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi Nghị định này được ban hành và đi vào thực tiễn, đồng thời, cùng với việc tập trung đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất kinh doanh của các DN ở thị trường này, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng sẽ giảm.

Tuy nhiên, việc xử lý triệt để những DN "cuốc xẻng” (DN sản xuất loại phân bón có công nghệ tương đối đơn giản như NPK –PV) là rất khó, trong khi đó, sự quản lý thị trường này cũng đang khá chồng chéo giữa các Bộ, khó quy trách nhiệm cụ thể khi có sự việc xảy ra...

Ông Trần Tấn Sơn - Ủy viên HĐQT, Kế toán trưởng Cty CP Phân bón Bình Điền : DN chủ động và chờ

DN chính là chủ thể đi đầu trong việc chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vì DN mới là người phát hiện ra sản phẩm của mình có bị làm nhái hay không. Đồng thời, DN sẽ dễ dàng phát hiện ra những đơn vị nào không có nhà máy, chỉ đi đặt gia công”.

Thực tế, Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón đã được trình Chính phủ từ giữa năm 2012. Điểm nhấn của nghị định này là đưa sản xuất kinh doanh phân bón trong nước trở thành ngành kinh doanh có điều kiện. Theo đó, các DN sản xuất phân bón trong nước phải có các điều kiện như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận hoặc giấy phép đầu tư đối với các DN FDI có ngành nghề sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất các loại phân bón đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, tới giờ nghị định này vẫn chưa được ban hành và DN vẫn phải đợi chờ.

Nguồn: