"/>"/>

Xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả

08:41 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Sáu, 2013

Tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Bạn đọc phản ánh và góp ý chung quanh vấn đề này.

Bạn đọc Hải Nguyên (TP Hồ Chí Minh): Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường phân bón Việt Nam còn nhiều bất ổn do tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng diễn ra khá phổ biến. Trung bình mỗi năm cơ quan chức năng xử lý hơn 300 vụ vi phạm về chất lượng, giả nhãn hiệu liên quan mặt hàng phân bón. Các vi phạm chủ yếu là phân bón kém chất lượng làm giả nhãn mác của công ty, thương hiệu lớn... Trong bối cảnh giá phân bón tăng cao, đồng thời nhu cầu sử dụng tăng vì đang bước vào thời điểm chăm sóc lúa, hoa màu, tình trạng làm giả phân bón có thể diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Người dân mong muốn các cơ quan chuyên môn "vào cuộc" quyết liệt hơn để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón.

Bạn đọc Trần Sơn (Bắc Giang): Hiện nay, hành vi làm giả phân bón ngày càng tinh vi. Nhìn bằng mắt thường, người tiêu dùng khó phát hiện đâu là sản phẩm giả, mà phải sau một thời gian bón cho cây trồng, thấy kém hiệu quả mới khẳng định được. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, bà con thường không giữ mẫu sản phẩm cũ cũng như vỏ bao, khi mua không có hóa đơn, chứng từ, cho nên thiếu căn cứ để phản ánh với cơ quan chức năng về vi phạm của người bán hàng. Một số đối tượng lợi dụng nông dân ở vùng sâu, vùng xa thiếu thông tin, có tâm lý thích mua rẻ, cho nên đưa sản phẩm giả đến bán ở khu vực này. Thực tế cho thấy, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng đã bị bắt giữ và xử lý, song chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng chỉ niêm phong và thu giữ sản phẩm tại hiện trường, còn việc đánh giá thiệt hại của nông dân đã sử dụng phân bón giả và yêu cầu bồi thường của người bán hàng thì từ trước tới nay chưa được tính đến.

Bạn đọc Xuân Hòa (Hà Nội): Trên địa bàn cả nước có hàng trăm cơ sở sản xuất phân bón với nhiều sản phẩm phân bón đa dạng về chủng loại và mẫu mã. Song, số doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu với vốn đầu tư lớn để có sản phẩm chất lượng chiếm tỷ lệ không cao. Trong khi đó, những trường hợp phát hiện phân bón kém chất lượng lại rơi nhiều vào các cơ sở có quy mô sản xuất nhỏ, phương tiện đơn giản, thủ công. Nạn làm phân bón giả vẫn tiếp diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến người sử dụng lẫn các cơ quan chức năng khó có thể phát hiện sản phẩm giả bằng mắt thường. Tình trạng phân bón kém chất lượng này khiến nhà nông điêu đứng, bởi không chỉ bị thiệt hại về vật chất khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng, mà còn mất công sức bỏ ra để vun trồng mà không thu được kết quả như mong muốn.

Bạn đọc Hữu Hải (An Giang): Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón chưa được xử lý triệt để là do việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản. Cơ sở sản xuất phân bón "tự công bố và đăng ký" tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, khi đưa vào sản xuất, lưu thông rồi cơ quan chức năng mới tiến hành hậu kiểm. Lợi dụng điều đó, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí làm nhái bao bì của các doanh nghiệp phân bón lớn, có thương hiệu uy tín để dễ dàng tiêu thụ. Nhiều nông dân ham giá rẻ mua về sử dụng. Một mùa sau khi chăm bón cho cây trồng kém chất lượng mới phát hiện ra đó là hàng kém chất lượng. Nhà nước cần quản lý và cấp phép kinh doanh, cần điều chỉnh đưa phân bón trở thành mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép mới được hoạt động. Tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm túc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Nguồn: