Với một vụ mùa và hè thu thắng lợi, có thể nói chưa năm nào nông dân VN lại hồ hởi như năm nay bởi “Trúng mùa – Được giá”. Tuy nhiên, nông dân cả nước sẽ có niềm vui trọn vẹn nếu... USD không tăng giá ! Còn DN NK phân bón cũng đau đầu về USD 2 giá.
Điều đáng nói là một nước mạnh về nông nghiệp nhưng một trong những vật tư tối quan trọng, “đầu vào” cho cây lúa và các cây công nghiệp ngắn ngày khác là phân bón, thuốc trừ sâu thì đa phần chúng ta phải NK. Ngoài phân Urea hiện tại sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 20-25% ; Phân DAP Đình Vũ đáp ứng được khoảng 20%; Phân phức hợp NPK đáp ứng được trên 60%. Còn lại nhiều loại phải NK 100% như Kali, SA.. Thực tế nói phân NPK đáp ứng được trên 60% nhưng phần lớn nguyên liệu để sản xuất NPK cũng là từ... ngoại nhập. Đối với thuốc bảo vệ thực vật, có lẽ con số NK phải tính đến 100%.
“Nhảy múa” với giá phân bón NK
Để đảm bảo có đủ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm cả tỷ USD đã được chi ra để NK mặt hàng này. Thực tế do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và do chính sách mở của cơ chế thị trường, lại không có “nhạc trưởng” nên giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật luôn có xu hướng tăng giảm thất thường. Lúc “sốt nóng” khi lại “sốt lạnh” khiến nông dân cũng “ nóng” - “lạnh” theo sự nhảy múa này.
Theo ông Vũ Duy Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Vinacam, một trong những DN kinh doanh phân bón hàng đầu với sản lượng cung ứng mỗi năm từ 450.000 - 600.000 tấn thở dài khi được hỏi về... giá phân bón ! Ông Hải cho biết: Nông dân mừng hụt thì DN cũng.. điên đầu !
Đi sâu về vấn đề tăng giá – “sốt nóng” của phân bón thời điểm hiện nay, ông Hải cho rằng: Việc tăng giá phụ thuộc vào cung – cầu. Khi vào vụ, nhu cầu tiêu thụ tăng nếu nguồn cung không đủ sẽ dẫn đến tăng giá. Giá tăng tỷ lệ thuận với cầu và tỷ lệ nghịch với cung. Việc tăng giá theo nguyên lý này cũng có hai lý do chính: Do nguồn cung thực sự thiếu vì khả năng NK không đủ, không kịp thời, lý do thứ 2 là do đầu cơ “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, từ thực tế diễn biến thị trường, theo chúng tôi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do nguồn cung thiếu vì số lượng NK phân bón 11 tháng của năm 2010 so với 11 tháng của năm 2009 đã giảm rõ rệt. Đặc biệt, theo Agromonitor, Urea NK tính đến 15/11/2010 mới đạt 712.580 tấn so với 1.298.100 tấn của 11 tháng đầu năm 2009.
Hơn nữa, theo ông Hải, với diễn biến của giá USD như hiện nay đang rất bất lợi cho các DN NK phân bón. Bà Ôn Lệ Hồng - GĐ Cty TNHH TM Thiên Thành Lộc - một DN chuyên NK phân bón cho biết, với lượng phân bón trong tháng 12 dự kiến sẽ khoảng 20 triệu USD và với chỉ bài toán đơn thuần cũng có thể nhận thấy với mức độ chênh lệch khoảng 2.000 VND/USD thì DN này đã thua thiệt khoảng 40 tỷ VND. Bà Hồng cũng khẳng định: Với tình trạng diễn biến này thì chắc chắn thời gian tối DN sẽ không dám nhập phân bởi nếu nhập phân như hiện tại thì chỉ còn cách... bù lỗ.
Thực tế, đến thời điểm này ngoài vấn đề giá USD tăng, giá vật tư nông nghiệp tăng khiến cho việc NK phân bón đang giảm rất nhiều. Có thể đặt vấn đề là tại sao lượng phân bón NK năm 2010 giảm sút trầm trọng?
Căn bệnh trầm kha ?
Theo một số ý kiến chuyên gia, giá công bố chính thức của đạm Phú Mỹ xuất tại nhà máy vẫn rẻ hơn giá của thế giới, nhưng khi phân Urê Phú Mỹ tới tay nông dân thì giá lại cao "ngất trời" là do các đại lý khi nhận về thấy giá phân thế giới tăng nên đẩy giá lên cao.
Bởi theo nhiều DN, điều bất thường ở chỗ, phân bón được bán giá thấp nhưng chính sách bán lại gần như chính sách “phân phối” vì không thỏa mãn nhu cầu thị trường. Với chính sách này hầu hết các nhà NK phân bón lớn đều chùn tay vì nếu nhập hàng về đến VN vào thời điểm Phú Mỹ giảm giá thì cầm chắc DN sập tiệm!
Hơn nữa, do phân bón của chúng ta chủ yếu là NK nên giá vốn phụ thuộc vào giá thế giới. Trung Quốc là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất sang VN trong vài năm gần đây thường áp dụng chính sách thuế linh hoạt nên giá NK cũng tăng giảm thất thường. Đơn cử vào thời điểm tháng 6 - tháng 7 giá Urea do Vinacam mở L/C NK mới ở mức 275 USD/tấn thì thời điểm hiện tại đã lên mức trên 420 USD/tấn (Tăng thêm 145 USD/tấn). Giá DAP mở L/C NK ở mức 485 USD/tấn, thì thời điểm hiện tại là 650 USD/tấn (tăng 165 USD/tấn). SA từ 121 -130 USD/tấn lên trên 200 USD/tấn ; Kali từ 370 USD/tấn lên 430 USD/tấn . Như vậy so với 6 tháng đầu năm 2010 mức tăng bình quân của 06 tháng cuối năm đạt 150 USD/tấn khiến khi quy đổi ra VND thì mỗi tấn phân bón đã tăng bình quân từ 3 -5 triệu đồng tùy chủng loại.
Nguyên nhân thứ 3 là do tỷ giá tăng. Tại thời điểm tháng 2/2010 khi giá phân bón thế giới đang thấp thì tỷ giá mà DN phải thanh toán là 19.100 VND/USD. Đến thời điểm tháng 8/2010 khi giá thế giới đang tăng thì tỷ giá thanh toán được điều chỉnh lên 19.500 VND/USD và đặc biệt hiện nay với mức giá thế giới tăng cao kỷ lục các DN phân bón lại rơi vào thảm cảnh không mua được ngoại tệ để thanh toán trả Ngân hàng hoặc nếu có cũng chỉ mua được số lượng cực kỳ hạn chế với vô số chi phí “linh hoạt” khiến giá mua trả đúng như giá thị trường. Kết quả mặc dù có hàng trăm tỷ tiền VND lưu trên tài khoản Ngân hàng nhưng DN vẫn bó tay chịu trận, phải trả lãi ngân hàng tính bằng USD (còn tiền Việt lưu trên tài khoản thì tính theo lãi xuất tiền gởi không kỳ hạn). Tính ra đợt biến động tỷ giá USD này, các DN NK phân bón lớn đã tổn thất đến hàng chục tỷ đồng !
Giải pháp từ chính DN
Theo các DN NK phân bón, hiện nay chúng ta chưa có chính sách ưu đãi đối với các DN nhập hàng về để dự trữ cho vụ mùa, do đó luôn phụ thuộc vào giá phân bón của thế giới. Nếu Nhà nước có chính sách bình ổn sẽ giúp nông dân giảm áp lực về giá phân bón, khi sắp vào vụ mùa giá phân bón thế giới sẽ tăng thì cho nhập về dự trữ trước vụ như vậy sẽ có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, bình ổn phải được ưu đãi vì dự trữ là con dao 2 lưỡi. Lúc giá phân tăng DN giúp bình ổn cho nông dân, nhưng khi giá xuống DN phải bán theo giá thị trường, như vậy DN sẽ bị lỗ.
Muốn bình ổn được thị trường phân bón, Nhà nước nên giao trách nhiệm cho DN, nhưng phải có ưu đãi về lãi suất ngân hàng và kèm theo là những cơ chế dành cho họ. Nếu giá phân tăng thì phải bán như thế nào cho phù hợp, khi giá phân bón giảm thì DN phải được Nhà nước hỗ trợ, có như vậy DN mới tích cực tham gia bình ổn thị trường phân bón.
Hơn nữa, theo quan điểm của các DN, việc Nhà nước can thiệp bình ổn giá phân bón là đúng. Nhưng hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, chứ không nên thực hiện theo thời điểm như hiện tại. Vì nếu thực hiện theo thời điểm, thì về thực tế, Nhà nước đã khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh và trao thế độc quyền về một DN, đẩy tất cả các DN khác và nông dân vào thế kiểu gì cũng thiệt hại.
Đặc biệt, theo Hiệp hội Phân bón, thị trường phân bón VN chưa có chiến lược phát triển dài hạn, các văn bản quản lý điều hành đều có tính sự vụ. Chưa có luật phân bón và chiến lược dài hạn cho ngành phân bón. Bên cạnh đó là việc điều tiết thị trường chưa được thực hiện tốt, các số liệu dự báo cung cầu còn có sự chênh lệch lớn. Chưa có cơ quan nào đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, XNK và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung cầu trong nước mà hoàn toàn là do các DN sản xuất và xuất NK tự cân đối phụ thuộc vào khả năng của mỗi DN.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng, thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là vấn đề nóng mà các bộ, ngành trung ương rất quan tâm. Trong đó, còn tồn tại rất nhiều bất cập, kể cả về mặt quản lý sản xuất lẫn phân phối, dẫn đến nông dân luôn phải chịu mức giá cao bất hợp lý. Để bình ổn thị trường này, trước hết cần phải tập trung giải quyết từ khâu đầu vào, hoàn thiện kênh phân phối, thiết lập hệ thống kênh thông tin về tình hình cung cầu, giá cả để nông dân cập nhật, nắm bắt thông tin, nhanh chóng cải tiến, hoàn thiện công tác xúc tiến thương mại, phát triển hệ thống phân phối từ bán buôn đến bán lẻ thống nhất và thông suốt. Trong hệ thống ngành dọc, các đơn vị phải có tổng kho và kho phân phối, mạng lưới cửa hàng bán lẻ rộng khắp trên các địa bàn. Cần liên kết với các nhà phân phối chuyên nghiệp để mở rộng thị phần, đặc biệt là ổn định giá bán đến tay người nông dân.