Ngành công nghiệp hóa chất (CNHC), một trong những trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu, đang đối mặt với những thách thức đe dọa sự tăng trưởng và phát triển tiếp.
Khi nhu cầu của người tiêu dùng dịch chuyển, các quy định về môi trường ngày càng thắt chặt và cạnh tranh ngày càng tăng, các công ty hóa chất phải tìm đường vượt qua những địa hình đầy hiểm trở để tiếp tục tồn tại và phát triển. Chi phí nguyên liệu tăng cao, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong các công nghệ mới và áp lực công cộng yêu cầu giảm tác động lên môi trường, tất cả những yếu tố đó đang gây căng thẳng cho nguồn lực và lợi nhuận của các công ty.
Bên cạnh đó, CNHC đang phải vất vả vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực khi lực lượng lao động trình độ cao để vận hành các dây chuyền sản xuất ngày càng trở nên khan hiếm. Để vượt qua những trở ngại đó, các công ty phải thể hiện sự linh hoạt, đổi mới và cam kết kiên định về phát triển bền vững. Đó là những phẩm chất quan trọng cho thành công lâu dài trong bối cảnh thị trường không ngừng tiến hóa.
Trong số nhiều thách thức hiện nay, có thể kể đến 3 thách thức lớn sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến CNHC trong thập niên này và những thập niên tiếp theo, đó là tình hình địa chính trị, tình hình kinh tế toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.
1. Bất ổn địa chính trị
Trong những năm qua, môi trường địa chính trị toàn cầu đang ngày càng trở nên phức tạp với những tranh chấp thương mại, biện pháp trừng phạt kinh tế và bất ổn chính trị ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường cũng như nguồn cung nguyên liệu.
Tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hóa nguồn cung đang trở thành chiến thuật sinh tồn quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và các mâu thuẫn địa chính trị liên tục gia tăng áp lực lên hoạt động của các chuỗi cung ứng. Để bảo vệ các ngành kinh tế trong nước, nhiều quốc gia đang mở rộng quy mô áp dụng luật pháp bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ và thực hiện phòng vệ thương mại bằng các biện pháp chống trợ cấp nhà nước đối với hàng nhập khẩu.
Trong thời gian tới, xu hướng trên dự kiến sẽ tiếp tục khi những căng thẳng tại Biển Đông, dải Gaza và Ucraina chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Điều đó có nghĩa là những mâu thuẫn địa chính trị có khả năng sẽ không còn là những vấn đề riêng lẻ mà sẽ bao trùm toàn bộ chuỗi cung ứng. Đáp lại, các doanh nghiệp hóa chất sẽ phải có những chiến lược mới trong việc tạo thành các liên minh thu mua và tìm kiếm nguồn hàng cung ứng, đồng thời xúc tiến các chính sách đối với những thương nhân có uy tín.
Hơn nữa, các chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới đã nhận thức tầm quan trọng của chính sách công nghiệp mạnh nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Ngoài việc giảm phát thải cacbon ở các hệ thống năng lượng và tăng cường tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo (điện xanh, hydro xanh, thu giữ, lưu trữ và sử dụng phát thải cacbon), điều quan trọng thiết yếu là phải tăng cường sử dụng những nguyên liệu tuần hoàn không phát thải cacbon.
Ví dụ, Ủy ban châu âu nhiệm kỳ này (2024-2029) dự kiến sẽ ưu tiên hàng đầu cho chính sách công nghiệp và vai trò quan trọng của CNHC trong việc thực hiện Thỏa thuận xanh châu âu với mục tiêu đạt phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó, đầu tư vào các công nghệ phát thải cacbon thấp và các giải pháp tuần hoàn tại Mỹ cũng đã tăng mạnh, một phần nhờ Đạo luật chip của Tổng thống Biden và các dự án khác của chính phủ. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cho đến nay người ta vẫn chưa rõ nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đi theo hướng nào sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20-1-2025.
2. Kinh tế toàn cầu suy yếu
Nền kinh tế toàn cầu suy yếu do lạm phát, suy thoái và giá hàng hóa dao động mạnh - đây là những yếu tố sẽ tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận của các công ty, cản trở các kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai. Tuy hiện tại triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đang dần được cải thiện, nhưng bóng ma của những bất ổn địa chính trị vẫn ẩn nấp đâu đó phía sau.
Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF ước tính tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 đạt 3,2%, dự báo năm 2025 sẽ đạt 3,3%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế phát triển chỉ đạt mức thấp 1,8%, tăng trưởng kinh tế của châu Á có thể đạt 5,5% nhưng tại đây nền kinh tế Trung Quốc đang đứng trước bong bóng nhà đất có nguy cơ đổ vỡ với những hệ quả khó lường.
Trung Quốc đang gần tiến tới mục tiêu đạt tự chủ về etylen và tiếp tục xây dựng những tổ hợp hóa dầu mới. Vì lý do đó, các công ty bên ngoài Trung Quốc đang phải nhanh chóng chấp nhận những chiến thuật sinh tồn khác thường như đóng cửa các dây chuyền sản xuất dư thừa, thực hiện các dự án mới về chất dẻo, vật liệu pin thân thiện môi trường,... Không may là những thay đổi đó cần phải được thực hiện vào thời điểm nhiều quốc gia phát triển đang tiếp tục phải chống chọi với những thách thức như bất ổn chính trị, tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số.
3. Biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu Trái Đất với những diễn biến ngày càng nghiêm trọng như hạn hán, sa mạc hóa, băng tan chảy, bão lụt, mực nước biển dâng... đang tạo ra mối nguy cơ về thảm họa toàn cầu.
Trong mối liên quan với các hoạt động kinh tế, nhiệt độ tăng, thời tiết cực đoan và các điều kiện môi trường thay đổi đang gây rối loạn cho các chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải đưa ra những tiêu chuẩn phát thải mới và buộc các ngành công nghiệp phải xem xét lại các quá trình sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng.
Khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt những kỷ lục mới, Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo về kỷ nguyên “sôi sục toàn cầu” thay cho kỷ nguyên “nóng lên toàn cầu”.
Trước thách thức đó, các chính phủ, các tổ chức quốc tế và các công ty hóa chất đang phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn, như thắt chặt các quy định, tăng thuế bảo vệ môi trường, tăng cường sử dụng nguyên liệu sinh khối và các loại nguyên liệu bền vững khác, tăng cường tái chế và tái sử dụng. Ngoài ra, cũng có những lựa chọn khác như ký kết các hiệp định và ban hành các quy định mới, ví dụ hiệp định về chất dẻo với mục tiêu giới hạn lượng chất dẻo sản xuất hàng năm từ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, hoặc quy định mới của EU về sản xuất pin bền vững với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế nguyên liệu sản xuất pin. Để có thể tiếp tục tồn tại, các công ty cũng sẽ phải đầu tư nhiều nguồn lực để tìm kiếm các nguyên liệu và quá trình sản xuất thay thế, thân thiện môi trường.
Cơn bão của những thách thức nói trên sẽ là phép thử lớn nhất đối với ngành hóa chất, đòi hỏi các công ty phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, thực hiện những chương trình hợp tác khác thường, tìm kiếm các đột phá công nghệ. Những công ty vượt qua được những thách thức đó sẽ trở nên mạnh hơn, bền vững hơn và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những thập niên tới.