Các công ty sản xuất phân bón châu Âu cắt giảm sản xuất vì giá khí thiên nhiên tăng cao

03:55 CH @ Thứ Ba - 06 Tháng Mười Hai, 2022

Trong khi nguồn cung giảm và mùa đông đang đến gần, ngày 24/8/2022 giá khí thiên nhiên châu âu trên thị trường đan Mạch đã đạt mức cao kỷ lục 300 EUR/MWh.

Trước viễn cảnh giá khí thiên nhiên tăng mạnh, hai nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới là Công ty CF Industry và Yara International mới đây đã gia nhập xu hướng cắt giảm sản xuất ở châu âu. Các nhà quan sát dự báo, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều công ty sản khác tại đây phải cắt giảm sản lượng.

Cắt giảm sản xuất ở Anh

Ngày 24/8/2022, Công ty CF Industry tại Anh đã tuyên bố sẽ tạm ngừng sản xuất amoniăc tại nhà máy ở Billingham (Anh) do giá khí thiên nhiên tăng cao. Đây là nhà máy amoniăc duy nhất của Công ty tại Anh. Nhà máy này cũng là nguồn cung ứng CO­2 quan trọng cho công nghiệp thực phẩm của Anh. 

Công ty CF Industry tin rằng sản xuất amoniăc tại Anh đã trở nên không có hiệu quả kinh tế với mức giá khí thiên nhiên hiện nay. Chi phí sản xuất của Công ty đã vượt quá 2.000 bảng Anh/tấn NH­3­, trong khi đó giá bán NH­ trên thị trường thế giới chỉ bằng một nửa mức đó.

Do chi phí năng lượng cao, đầu tháng 8/2022 Công ty CF Industry cũng tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn nhà máy của mình ở Ince (Anh) và các hoạt động sản xuất tại nhà máy Billingham - cơ sở sản xuất NH3­, NH4NO3 và CO­2­ lớn nhất ở nước Anh.

Nhà máy Billingham được xây dựng năm 1924, hiện tại đạt công suất hàng năm 595.000 tấn NH­3­ và 625.000 tấn NH4NO3. Nhà máy Ince được xây dựng năm 1965, hiện tại đạt công suất hàng năm 380.000 tấn NH­3­ và 575.000 tấn NH4NO3.

Việc đóng cửa các nhà máy của Công ty CF Industry khiến nhiều người nhớ lại tình hình cách đây 1 năm. Tháng 9/2021, hai nhà máy này của Công ty tại Billingham và Ince đã phải tạm dừng sản xuất do giá khí thiên nhiên tăng cao khiến cho hoạt động của chúng bị thua lỗ. Sau đó, nhà máy tại Billigham đã khởi động lại sản xuất nhờ đạt được thỏa thuận hỗ trợ của chính phủ Anh. Nhưng nhà máy tại Ince đã không bao giờ được mở cửa trở lại.

Các nước khu vực đồng Euro

Ngày 25/8/2022, Công ty Yara - nhà sản xuất phân bón quy mô lớn tại Nauy - đã tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm sản xuất do giá khí thiên nhiên tăng cao kỷ lục ở châu âu. Tỷ lệ sử dụng công suất trong sản xuất amoniăc của Công ty tại châu âu sẽ giảm xuống khoảng 35%.

Tương ứng với mức cắt giảm đó, công suất sản xuất phân bón hàng năm tại châu âu của Yara sẽ giảm tương đương 3,1 triệu tấn NH­3­ và 4 triệu tấn sản phẩm hoàn thiện (1,8 triệu tấn urê, 1,9 triệu tấn nitrat, 300.000 tấn phân NPK hỗn hợp).

Giám đốc Công ty Yara cho biết, Công ty sẽ sử dụng hệ thống mua hàng và sản xuất toàn cầu của mình ở mức tối đa để tối ưu hóa hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bao gồm việc sử dụng NH­3­ nhập khẩu để tiếp tục sản xuất NH4NO3 nếu khả thi.

Đây không phải là lần đầu tiên Yara tiến hành cắt giảm sản xuất trong năm nay. Tháng 3/2022, Công ty đã cắt giảm sản lượng ở một số cơ sở sản xuất amoniăc và urê, nhưng sau khi tình hình lợi nhuận được cải thiện Công ty đã khôi phục lại sản xuất ở các cơ sở đó.

Theo Cẩm nang Kinh tế hóa chất toàn cầu S&P, các công ty CF Industry và Yara đang dẫn đầu về công suất sản xuất NH­3 trên thế giới, với tổng công suất kết hợp năm 2020 đạt hơn 16 triệu tấn.

Khí thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất phân đạm tại các nhà máy sản xuất phân bón của châu âu, chiếm phần lớn chi phí sản xuất NH­3­. Ngày 23/8/2022, Công ty Grupa Azoty do nhà nước kiểm soát ở Ba Lan và chi nhánh của Công ty PKN Orlen đã phải tạm ngừng sản xuất phân đạm do giá khí thiên nhiên tăng cao.

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã kìm hãm hoạt động sản xuất phân bón ở châu âu, khiến cho châu lục này phụ thuộc nhiều hơn vào NH­ nhập khẩu, mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất phân bón ở các khu vực khác. 

Tuy nhiên, tình hình trên cũng mang lại tác động tiêu cực đối với sản xuất lương thực toàn cầu. Theo cảnh báo của Hiệp hội Phân bón quốc tế IFA, nông dân trên khắp thế giới đang có xu hướng cắt giảm trung bình 7% lượng sử dụng phân bón trong vụ mùa tới. Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2008. Điều đó có nghĩa là sản lượng ngũ cốc trong thời gian tới sẽ giảm đáng kể, làm tăng mạnh nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng lương thực trên thế giới.