Công nghiệp hóa chất châu Âu chao đảo vì giá khí đốt

02:39 CH @ Thứ Hai - 05 Tháng Chín, 2022

Cuộc khủng hoảng khí đốt đang tác động xấu tới công nghiệp hóa chất châu Âu, trong đó có ngành sản xuất phân bón.

Bên cạnh dầu lửa, khí đốt cũng đang tâm điểm tại châu Âu. Trong diễn biến mới nhất, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 từ Nga tới Đức sẽ ngừng vô thời hạn trước khi có thông báo mới.

Sản xuất phân bón đang giảm sút tới quá nửa và không biết tới khi nào mới có thể phục hồi sản lượng như trước đây. Nhiều ngành sản xuất khác cũng bị tác động gián tiếp, do phải sử dụng hóa chất có nguồn gốc từ khí đốt và dầu mỏ.

Các nước châu Âu vẫn phải nhập khẩu khí đốt không chỉ dùng để sưởi ấm và phát điện, phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu là để làm nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất châu Âu.

Tờ L'Opinion ra tại Pháp hôm 1/9 có bài: "Thiếu khí đốt, ngành phân bón chìm trong sương mù". Năm ngoái, châu Âu sản xuất 16,8 triệu tấn phân hóa học, 3/4 trong số đó là các chất amoni nitrat, ure và nitơ, được chiết xuất từ khí đốt. Bài báo viết: "Mặc dù lúc này vẫn có nguồn dự trữ đảm bảo, thị trường khí đốt cũng đang thu hẹp dần do bị tranh mua".

Ngành sản xuất phân bón đang suy thoái trầm trọng, nếu không có giải pháp, thì vụ mùa năm sau nông dân sẽ thêm khó khăn.

Theo tờ Jyllands-Posten của Đan Mạch, trên khắp châu Âu, các nhà sản xuất phân bón đang giảm sản lượng và đóng cửa nhà máy. Tập đoàn hóa chất Yara của Nauy đã phải giảm năng lực sản xuất tại châu Âu xuống chỉ còn bằng 35% so với trước đây, do không chịu nổi giá khí đốt quá cao.

Tập đoàn hóa chất lớn nhất Ba Lan và lớn thứ nhì châu Âu là Grupa Azoty cũng đã phải tạm ngừng sản xuất một số loại phân hóa học.

Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan cho biết một số doanh nghiệp khác vẫn cố cầm cự, nhưng nhìn chung các nhà máy ở châu Âu đã thông báo hạn chế hoặc ngừng sản xuất amoniac, phân đạm và các hóa chất khác. Đồng thời, phụ phẩm của quá trình sản xuất phân đạm, là dioxyde carbon, cũng đã giảm. Dioxyde carbon thường được dùng để giữ lạnh, và theo bài báo, khan hiếm chất này sẽ ảnh hưởng tới ngành công nghiệp thực phẩm cũng như ngành y tế, có nhu cầu rất cao đối với CO2 hóa lỏng làm lạnh và đá khô.

Thiếu khí đốt sưởi ấm và phát điện không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Không có khí đốt vẫn có nhiều nguồn năng lượng khác cung cấp nhiệt lượng, nhưng ngành hóa chất thiếu khí đốt làm nguyên liệu, có rất ít lựa chọn thay thế.

Tờ Mặt trời 24h của Italy viết: "Châu Âu ít tài nguyên nhưng có công nghiệp chuyển đổi nguyên liệu thô thành sản phẩm hóa chất giá trị cao, việc tiếp cận được các nguồn tài nguyên một cách an toàn, kinh tế và liên tục là cần thiết".

Theo biểu đồ đi cùng bài báo, ngành hóa chất Italy cung cấp nguyên liệu sản xuất cao su và nhựa, hàng tiêu dùng, dịch vụ, da giày và dệt may, luyện kim, dược phẩm, chế biến thực phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón ruộng…, nhiều ngành kinh tế đang gián tiếp chịu tác động xấu do giá khí đốt và dầu mỏ tăng cao.