"/>
Tình trạng phân bón giả, nhái đang trở thành “vấn nạn” gây không ít lo lắng cho các DN làm ăn chân chính. Do cơ chế quản lý còn lỏng, nhất là hình thức xử phạt còn chưa đủ mạnh nên đến nay phân bón giả đã xuất hiện trên 45 tỉnh, thành phố.
Dùng cuốc, xẻng sản xuất phân bón
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, tính đến đầu tháng 11-2013 chỉ số tồn kho của ngành sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 16,5% so với cùng kỳ. Thời điểm hiện tại, nguồn cung thế giới giảm (Trung Quốc và Ai Cập đang khó khăn về cung khí đốt tự nhiên cho sản xuất phân bón) nhưng nguồn cung trong nước lại lớn hơn cầu. Các loại phân bón hiện tồn kho hơn 800.000 tấn, tăng 200.000 tấn so với thời điểm đầu năm, trong đó phân DAP tồn kho 60.000 tấn, ure 100.000 tấn, NPK gần 370.000 tấn…
Tuy nhiên mức tồn kho này không phải là mối lo ngại của các DN bởi theo ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, sang tháng 12 cả nước bước vào vụ sản xuất Đông Xuân, nhu cầu tăng cao, lượng phân bón tồn kho sẽ được giải phóng. “Vấn nạn” nhức nhối nhất trong ngành phân bón khiến các DN đau đầu, lo lắng lại chính là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng ngày một gia tăng, gây nhiều hệ lụy cho các DN làm ăn chân chính và cả người nông dân.
Ông Tường cho biết, nếu như cách đây 3 năm, nạn sản xuất phân bón kém chất lượng chỉ xuất hiện ở một số ít tỉnh thành, với quy rất nhỏ ở các tỉnh miền Tây thì hiện nay vấn nạn này đã xuất hiện tại 45 tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đặc biệt, vấn nạn này tập trung ở những vựa lúa chính như Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Nam Định, Thái Bình…, những vùng vận chuyển khó khăn (Nghệ An, các tỉnh Tây Nguyên…).
Theo vị này, việc sản xuất phân bón kém chất lượng quá đơn giản, đặc biệt là loại phân hỗn hợp NPK “chỉ cần dùng cuốc, xẻng phối trộn các nguyên liệu với nhau là thành phân bón, sau đó đóng bao bì nhãn mác của các thương hiệu mạnh rồi bán ra thị trường”. Tuy nhiên, do sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ, thậm chí trộn cả bột đá để tăng trọng lượng khiến hàm lượng dinh dưỡng trong loại phân bón này rất thấp, thông thường chỉ bằng 2% so với phân bón do các DN chân chính sản xuất.
Công cụ mới
Trên thực tế, phân bón kém chất lượng đã và đang gây những hệ lụy không nhỏ cho người nông dân và cả ngành phân bón. Trường hợp của ông Đặng Thanh Nhàn, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông là một ví dụ. Ông Nhàn cho biết, ngày 25-5-2013, gia đình ông đã mua 3 tấn phân của Công ty CP Vật tư Tổng hợp và Phân bón hóa sinh để bón cho 3 hecta cà phê đang trong thời kỳ phát triển, trái non. Khi bón phân xong, cây lại không xanh tốt mà héo rũ, lá và trái non rụng nhiều, còn lượng phân đã bón thì không tan (dù có mưa) và đóng rêu xanh. Điều đáng nói, mức xử phạt của Công ty trên cũng chỉ 55 triệu đồng, trong khi đó thiệt hại trước mắt của gia đình ông Nhàn đã lên tới 42 triệu đồng, chưa kể đến thiệt hại cho vụ mùa sau (mỗi cây cà phê được chăm sóc thì 3 năm sau mới được thu hoạch).
Như vậy, mức xử phạt còn nhẹ không đủ răn đe là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả vẫn còn tồn tại. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), các văn bản quản lý hiện tại lại gây khó khăn cho DN làm đúng luật khi muốn đưa loại phân bón mới ra thị trường. Theo đó, DN phải trải qua 13 thủ tục hành chính khác nhau như giấy phép, khảo nghiệm, nghiệm thu... và tốn ít nhất 2 năm mới có thể đưa một loại phân bón mới ra thị trường. Trong khi đó, các DN làm phân bón giả, kém chất lượng chỉ cần vài trăm triệu đồng là có thể làm hàng chục loại phân bón giả với đủ loại nhãn mác để đưa ra thị trường. Cơ quan quản lý làm không xuể, còn nếu bị bắt thì chỉ xử phạt hành chính với mức phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận khủng từ phân bón giả đem lại.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón thay thế những quy định được cho là đã “lạc hậu”. Nghị định này nghiêm cấm sản xuất phân bón khi chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón; sản xuất, kinh doanh, XK, NK phân bón giả, phân bón đã bị cấm sử dụng; sản xuất, kinh doanh, XK, NK, trao đổi, tiếp thị phân bón không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc kinh doanh phân bón đã hết hạn sử dụng... Hy vọng rằng, khi đi vào thực tiễn (từ ngày 1-2-2014), tình trạng sản xuất phân bón lộn xộn như hiện nay sẽ được “chấn chỉnh”, tránh thiệt hại không đáng có cho DN làm ăn chân chính, người nông dân.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương):
Từ tháng 7-2013,Cục đã chỉ đạo cho Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh tăng cường kiểm tra phân bón kém chất lượng. Tháng 8, Cục đã tham mưu với Bộ Công Thương ban hành danh mục phân bón cần kiểm tra, xử lý. Cục cũng đã phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án chống sản xuất, buôn bán phân bón giả, kém chất lượng. Hiện đề án đã được gửi tới các bộ, ngành, các địa phương xin ý kiến. Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phân loại và làm rõ phương thức, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh của các đối tượng để có biện pháp xử lý kịp thời.