Sau khi giảm 20% trong quý I/2024, chỉ số giá phân bón của Ngân hàng Thế giới - chỉ số đo lường mức giá các loại phân bón quan trọng nói chung trên thị trường - đã duy trì tương đối ổn định trong quý II. Hiện tại chỉ số giá này thấp hơn 24% so với 1 năm trước, chủ yếu do sự suy giảm đáng kể của giá quặng phốtphat (-56%) và quặng Kali (-17%).
Theo Ngân hàng Thế giới, động lực dẫn đến sự suy yếu trên diện rộng của giá phân bón hiện nay là triển vọng sản lượng sản xuất đang được cải thiện nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm.
Trong quý II/2024, chỉ số giá phân bón hợp lý (tỷ lệ giữa giá phân bón và giá lương thực) đã đạt tương đương mức trung bình của thời kỳ 2015-2019.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới dự báo, giá phân bón trung bình trong các năm 2024 và 2025 sẽ thấp hơn so với năm 2023 nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình thời kỳ 2015-2019 nhờ nhu cầu cao và một số biện pháp hạn chế xuất khẩu (chủ yếu là của Trung Quốc) cũng như các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt (chủ yếu đối với Belarut).
Giá nguyên liệu đầu vào
Nếu giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là khí thiên nhiên, tăng trở lại, giá phân bón có thể sẽ tăng theo. Tuy nhiên, việc Trung Quốc khôi phục hoạt động xuất khẩu phân bón và khả năng giá lương thực trên thế giới thấp hơn dự kiến có thể dẫn đến xu hướng giảm tiếp của giá phân bón.
Tuy đã giảm đáng kể từ những mức đỉnh cao trong các năm 2022-2023, giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất phân bón hiện nay vẫn giữ ở mức cao hơn so với thời kỳ trước năm 2020. Sau khi giảm mạnh so với thời kỳ 2022-2023, giá những nguyên liệu đầu vào then chốt đối với sản xuất phân bón đã duy trì tương đối ổn định trong 2 quý đầu năm 2024. Ví dụ, giá khí thiên nhiên tại châu âu trong quý II/2024 đã tăng gần 15% so với quý I/2024 , nhưng vẫn thấp hơn 11% so với 1 năm trước. Khí thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho sản xuất phân đạm. Tương tự, giá lưu huỳnh đã giảm 26% so với 1 năm trước. Mặc dù vậy, trong 4 năm qua giá trung bình của các nguyên liệu đầu vào nói trên vẫn cao hơn 30% so với mức giá trung bình thời kỳ 2015-2019.
Ảnh hưởng của các biện pháp hạn chế xuất khẩu và trừng phạt
Các biện pháp hạn chế xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trên thị trường phân bón thế giới, nhưng xu hướng đa dạng hóa thương mại đã giúp giảm mạnh tác động của những biện pháp đó. Tuy xu hướng giảm xuất khẩu phân lân từ Trung Quốc và giảm xuất khẩu amoniăc từ Nga vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến các dòng thương mại phân bón toàn cầu, nhưng châu âu đã thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc và Nga bằng các nguồn nhập khẩu khác như Ai Cập (amoniăc), Marốc (phân lân), Arập Xê-út và Mỹ.
đối với phân kali, mặc dù các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt lên Belarut và Nga - 2 quốc gia chiếm gần 50% tổng sản lượng phân Kali toàn cầu - nhưng xuất khẩu từ cả hai quốc gia này vẫn cao hơn trước nhờ xu hướng đa dạng hóa thương mại trên thế giới. Belarut đã tăng xuất khẩu vào Trung Quốc, một phần nhờ Nga đã nâng cao công suất vận chuyển đường sắt để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ Belarut. Trong khi đó, xuất khẩu từ Canađa đã được chuyển hướng một phần đến châu Âu.
Nhìn chung, cho đến nay giá phân bón đã giảm trở về mức trung bình của thời kỳ trước năm 2019. Giá phân bón giảm trong vài quý trước đã đưa chỉ số giá phân bón hợp lý quay về gần mức của thời kỳ 2015-2019. Vào thời điểm giá phân bón đạt đỉnh cao trong năm 2022, chỉ số giá phân bón hợp lý khi đó đã tăng gần gấp đôi so với mức trung bình nhiều năm.