Những yếu tố rủi ro đối với nguồn cung phân bón thế giới trong năm 2023

04:24 CH @ Thứ Hai - 27 Tháng Ba, 2023

Bối cảnh thị trường

Tháng 2/2022, cuộc tấn công của Nga vào Ucraina đã dẫn đến những dao động lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu với những lo ngại về sự rối loạn nguồn cung năng lượng, phân bón và lương thực thực phẩm. 

Do hậu quả của chiến tranh Nga-Ucraina, thị trường phân bón đã đứng trước lo ngại về khả năng xuất khẩu của Nga trên thị trường thế giới khi nhiều cá nhân, tổ chức và ngân hàng của nước này phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tình hình càng thêm trầm trọng do thiếu nguồn cung phân kali từ Belarut khi nước này cũng đang bị trừng phạt từ nửa sau năm 2021, cùng với những hạn chế về xuất khẩu phân đạm và phân lân của Trung Quốc cũng như giá khí thiên nhiên tăng cao bất thường ở châu âu làm tăng chi phí sản xuất phân đạm.

Trong bối cảnh đó, giá phân bón đã tăng nhanh và đạt mức đỉnh cao vào tháng 5/2022, trùng với thời điểm nhu cầu tăng do vụ mùa ở các nước Bắc Bán Cầu.

Giá phân bón đã tăng đến mức cao nhất kể từ năm 2008, nhưng đây không chỉ là hậu quả của cuộc chiến tranh ở Ucraina. Trước đó, thị trường phân bón đã nằm trong tình trạng cầu vượt cung từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 với những đợt đứt gãy nguồn cung, tình trạng mất điện, giá nguyên liệu tăng cao và các biện pháp trừng phạt đối với Belarut.

Từ tháng 5/2022, giá phân bón trên thị trường quốc tế đã bắt đầu giảm nhờ những yếu tố như sản lượng phân đạm và phân lân cao kỷ lục của Nga, nhu cầu mua phân lân và phân kali giảm hoặc bị hoãn lại do giá cao.

Tuy nhiên, một số yếu tố gây thiếu hụt nguồn cung vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến đến thị trường. Đó là giá khí thiên nhiên cao kỷ lục ở châu âu làm tăng chi phí sản xuất phân đạm, Trung Quốc hạn chế xuất khẩu phân đạm và phân lân, các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut.

Giá khí thiên nhiên tại châu Âu

Châu Âu đã phải chịu những mức giá khí thiên nhiên cao kỷ lục do phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga. Vào thời điểm căng thẳng nhất trong quý III/2022, giá khí thiên nhiên trên sàn giao dịch TTF Hà Lan đã vượt mốc 100 USD/MMBTu. Tháng 8/2022, Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA) ước tính khoảng 70% công suất amoniăc tại châu Âu đã phải ngừng hoạt động vì những lý do kinh tế. Đến tháng 10/2022, tình hình đã được cải thiện, giá khí thiên nhiên giảm xuống dưới 30 USD/MMBTu, nhưng khoảng 40% công suất amoniăc trong khu vực vẫn chưa vận hành trở lại.

Những dự báo từ các nguồn như Ngân hàng Thế giới cho rằng giá khí thiên nhiên châu Âu sẽ tiếp tục giữ trên mốc 25 USD/MMBTu cho đến tối thiểu năm 2024 và thị trường năng lượng châu Âu sau năm 2022 sẽ còn nhiều bất ổn. Điều đó cho thấy sản xuất phân đạm tại châu Âu sẽ còn gặp nhiều rủi ro trong những năm tới.

Các biện pháp trừng phạt 

Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 7/2022, nguồn cung phân bón từ vùng Biển Đen của Nga trở thành một trong những đối tượng của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do LHQ khởi xướng với mục đích ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, thông qua việc giúp Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón từ một số cảng trên Biển Đen bị tê liệt vì “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga. Những can thiệp này đã giúp xuất khẩu urê và phân lân của Nga đạt mức kỷ lục trong năm 2022, giúp giảm nhẹ một phần áp lực trên thị trường phân bón toàn cầu. 

Mặc dù vậy, Nga đã buộc tội EU không thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận tháng 7/2022. Những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường phân bón theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, thị trường phân kali đang bị ảnh hưởng nhiều nhất do tác động kết hợp của các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarut, hai quốc gia chiếm 40% thị trường thương mại phân kali toàn cầu.

Các biện pháp hạn chế xuất khẩu 

Trong thời kỳ bất ổn của thị trường, một số quốc gia sản xuất phân bón đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu nhằm tăng nguồn cung cho thị trường trong nước. Cụ thể ở đây là Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong năm 2022. Xuất khẩu DAP của Trung Quốc - trước đây  chiếm 30% thương mại DAP toàn cầu - đã giảm gần 50% trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu urê cũng giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung, xuất khẩu phân bón của Trung Quốc trong năm 2022 được dự báo chỉ đạt 50% mức bình thường. 

Các chuyên gia thị trường cho rằng, các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không được hủy bỏ sớm nhất cho đến giữa năm 2023.

Chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc trong lĩnh vực phân bón đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường toàn cầu, góp phần khiến cho giá phân bón trên thị trường quốc tế tăng cao.

Nguồn: