Thời gian qua, vùng sản xuất phốtpho vàng hàng đầu của Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam đã trải qua các đợt hạn hán kéo dài. Tình trạng hạn hán nghiêm trọng và kéo dài dọc sông Dương Tử đã làm giảm sút nguồn cung nước từ các nhà máy thủy điện, khiến cho Tập đoàn lưới điện quốc gia Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì cung cấp nguồn điện cho nhiều nơi trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, thị trường phốtpho vàng tại Trung Quốc đã phải đối mặt với những tác động lớn do chính sách hạn chế tiêu thụ điện của chính phủ đã ảnh hưởng mạnh đến sản lượng phốtpho vàng của các nhà máy trong khu vực.
Cung cầu phốtpho vàng tại Trung Quốc đã duy trì cân bằng trong thời gian dài khi các ngành công nghiệp liên quan bị đóng cửa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, động lực thị trường đã dịch chuyển sau khi các cơ quan Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát chống dịch, kéo theo sự gia tăng các hoạt động thương mại và kinh tế trên thị trường.
Từ tháng cuối cùng quý IV/2022, thị trường phốtpho vàng tại Trung Quốc đã chứng kiến sự hồi phục mạnh của lượng đơn chào hàng hàng tháng nhờ hoạt động sản xuất được cải thiện sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng. Tuy nhiên, chênh lệch giá mua bán phốtpho vàng vẫn tăng cao do hoạt động bổ sung kho hàng tăng mạnh trên thị trường nội địa khi các doanh nghiệp tìm cách phòng ngừa những trở ngại trong chuỗi cung ứng sau Tết Âm lịch 2023.
Các chuyên gia thị trường cho rằng, tình hình khô hạn tại tỉnh Vân Nam có khả năng sẽ nặng thêm trong những tuần tới, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở Vân Nam và các tỉnh lân cận như Quảng Đông, Quảng Tây, tác động trực tiếp đến công suất sản xuất phốtpho vàng trong nước.
Trong nửa đầu tháng 8/2022, giá phốtpho vàng đã tăng khoảng 17% do nguồn cung điện bị hạn chế ở Tứ Xuyên và sản lượng phốtpho vàng giảm ở Vân Nam cũng như Quý Châu. Cuối tháng 8/2022, giá phốtpho vàng đã tăng lên đến 31.250 nhân dân tệ/tấn.
Trước tác động của việc hạn chế nguồn cung điện năng, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phốtpho vàng tại Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên, đều đã phải đóng cửa, trong khi đó các doanh nghiệp ở Nhã An phải giảm công suất vận hành.
Các công ty sản xuất điện sẽ phải tăng cường sử dụng nhiều hơn các nguồn nhiên liệu thay thế như than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở hai khu vực sản xuất chính có khả năng sẽ cản trở sự hồi phục của chỉ số quản trị thu mua (PMI) trong ngành sản xuất phốtpho vàng. Đồng thời, những thay đổi trong chính sách phân phối điện sẽ ảnh hưởng tiếp đến năng lực sản xuất phốtpho vàng trong khu vực.
Năm 2021, công suất sản xuất phốtpho vàng của Trung Quốc đạt 1,43 triệu tấn, trong đó Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu là 3 tỉnh đứng đầu về công suất sản xuất, chiếm 46%, 23% và 19% tương ứng.