Theo giới chuyên gia, doanh nghiệp, việc Bộ Tài chính đề xuất áp thuế Giá trị gia tăng (VAT) đầu vào 5% đối với mặt hàng phân bón, giúp sản phẩm phân bón trong nước có khả năng cạnh tranh hơn so với sản phẩm nhập khẩu.
Theo dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5%.
Hiện doanh nghiệp phân bón trong nước không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết: Việc áp dụng đối tượng chịu thuế VAT 5% đối với phân bón là phù hợp với thực tiễn bởi VAT có tính chất liên hoàn, số thuế phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào.
Doanh nghiệp nộp VAT ở đầu ra sẽ được khấu trừ thuế VAT đã nộp ở đầu vào khi tính các chi phí sản xuất. Trong khi đó, hiện nay phân bón không thuộc đối tượng thuế, doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào họ phải nộp VAT 5-10%, và không được khấu trừ, điều này gây tổn thất cho doanh nghiệp và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp lớn nhấn mạnh, dù chính sách của Nhà nước hiện nay ưu đãi không áp thuê VAT đối với phân bón, song chủ yếu ưu đãi cho người nông dân, vô tình giảm sức cạnh tranh của phân bón trong nước với phân bón nước ngoài, ưu đãi ngược trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với ước tính chi phí đầu vào, mua sắm tài sản cố định không được tính vào giá thành sản xuất nên giá phân bón trong nước có thể tăng từ 5-7% tùy vào từng sản phẩm. Trường hợp phân bón được áp thuế theo dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, điều này sẽ có lợi cho doanh nghiệp phân bón.
Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất nhận được 5% đầu vào của nguyên liệu sẽ tìm cách giảm giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu sẽ giảm. Đáng nói hơn, khi được khấu trừ 5% doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, sản phẩm mới.
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/12, Việt Nam nhập khẩu 3,9 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch hơn 1,33 tỷ USD, bình quân 7,8 triệu đồng/tấn, trong đó nhập từ Trung Quốc hơn 1,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 600 triệu USD, giá bình quân khoảng 7,6 triệu đồng/tấn.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13 (Luật Thuế 71) quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, phân bón từ mặt hàng chịu thuế GTGT 5% được điều chỉnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2015, nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng Luật Thuế 71, mục đích giảm gánh nặng giá phân bón cho nông dân không đạt được, thậm chí còn gây tác dụng ngược khi giá thành phân bón bị tăng thêm 5 - 8% tùy loại.
Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính khi thực hiện Luật 71, giá thành phân đạm tăng 7,2 - 7,6%; phân DAP tăng 7,3 - 7,8%; phân supe lân tăng 6,5 - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2 - 6.1%.
Ngoài ra, số doanh nghiệp phân bón chịu ảnh hưởng không được giảm thuế rất lớn, trong đó mỗi năm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) số tiền các đơn vị sản xuất phân bón không được hoàn thuế xấp xỉ 900 tỷ đồng, con số này đã lên tới hơn 6.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay.
Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau mỗi năm không được khấu trừ gần 350 tỷ đồng tiền thuế; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP không được khấu trừ khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp phân bón là gần 48.000 tỷ đồng, trường hợp doanh nghiệp được áp thuế suất 5%, số thuế VAT đầu ra gần 2.400 tỷ đồng.