Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng góp phần xây dựng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng

03:54 CH @ Thứ Tư - 05 Tháng Sáu, 2024

Việc khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991) đã đánh dấu một bước tiến mới về đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng. Điều đó hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam và tiến trình lịch sử thế giới.

Chủ nghĩa Mác - Lênin bắt nguồn từ thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ, từ sự phát triển của khoa học. Bản chất và linh hồn sống của nó là phép biện chứng duy vật. Cách nhìn duy vật biện chứng đối với thế giới là thế giới quan của chúng ta. Thế giới quan ấy được vận dụng vào nhận thức và tư duy để nhận thức thế giới, cải tạo thế giới. Với phép biện chứng duy vật của Mác, Đảng Bônsêvích Nga đứng đầu là Lênin đã làm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Cách mạng Tháng Mười có sức ảnh hưởng rất rộng lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới. Nhân dân Việt Nam đời đời không quên công lao to lớn của nhân dân Liên Xô đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển đất nước của mình. Những thành tựu vĩ đại của Liên Xô và các nước XHCN khác là kết quả vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng ở các nước. Đó là những thành quả mà các thế hệ nối tiếp nhau vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào thực tiễn cách mạng trong từng điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, một loạt nước xã hội chủ nghĩa ra đời; phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, chủ nghĩa thực dân mới lung lay đến tận gốc., loài người bước vào một kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn kinh nghiệm xương máu rút ra từ tiến trình cải tổ, cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa trong thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX là đã không phát triển được lý luận mác-xít đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống. Đặc biệt là, các đảng cộng sản không đánh giá đúng tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, đã du nhập các quan điểm dân chủ, nhân quyền cực đoan của phương Tây, như: đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… dẫn tới sự sụp đổ một bộ phận quan trọng của hệ thống XHCN. Mặt khác, từ khi các nước XHCN tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới, các thế lực thù địch đã tập trung mũi nhọn, đẩy tới cuộc “chiến tranh không có khói súng” - chiến lược “Diễn biến hoà bình” đối với các nước đi theo con đường XHCN, tấn công vào hệ tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm lý luận “toàn diện và sâu sắc của cách mạng Việt Nam”; phản ánh những vấn đề có tính quy luật của cách mạng Việt Nam; đó là sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện mới, kết hợp nhuần nhuyễn với giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh được kết hợp từ sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã tạo lập cho mình một nền văn hóa riêng, phong phú và bền vững với những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trước hết đó là chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, tinh thần nhân nghĩa, khoan dung., truyền thống cần cù, dũng cảm, ham học hỏi,… Từ sự tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại và chủ nghĩa Mác-Lênin, từ khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi mọi sự áp bức bóc lột, Người tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin cơ sở lý luận của con đường giải phóng dân tộc và phát triển đất nước “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Ngày nay, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, như Đảng ta đã nói đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường… cần phải tính tới tính phức tạp, những khó khăn và thách thức mới. 

Những luận điệu mà các thế lực thù địch thường sử dụng để tấn công vào hệ tư tưởng của Đảng ta là: Chủ nghĩa Mác – Lê-nin ra đời từ thế kỷ XIX, nay đã lỗi thời. Xã hội XHCN đã sụp đổ ở bộ phận quan trọng nhất. CNTB là “sự tột cùng của lịch sử”, nghĩa là CNTB sẽ tồn tại vĩnh viễn. Không có tư tưởng Hồ Chí Minh và nếu có thì đó cũng là “tư tưởng cộng sản cũ rích”(!).

Để đánh bại cuộc tấn công của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng, lý luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường XHCN, công tác nghiên cứu lý luận và công tác chính trị, tư tưởng cần phải bảo vệ hệ tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Muốn vậy, phải làm rõ vì sao Đảng ta lựa chọn chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình? Để làm sáng tỏ vấn đề đó, có thể căn cứ vào một số vấn đề cơ bản sau:

Đảng ta vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; đồng thời, mong muốn góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng và tiến bộ trên thế giới. Đi theo con đường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã giành được độc lập, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội do nhân dân làm chủ. Tiếp đó, dân tộc ta đã tiến hành các cuộc kháng chiến, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc hung hãn và hùng mạnh nhất thế giới, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. Từ giữa những năm 80 thế kỷ XX, Đảng ta đã phát hiện sai lầm trên lĩnh vực kinh tế, xã hội nên đã khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, cho đến nay đã thu được những thành tựu to lớn, làm thay đổi căn bản đời sống xã hội, được nhân dân ta ghi nhận, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Chủ nghĩa xã hội hiện thực đã thu được những thành tựu vô cùng to lớn, có ý nghĩa thời đại. Đó là lực lượng xã hội mở ra một con đường mới cho nhân loại đi đến mục tiêu giải phóng con người, xã hội và cho các dân tộc bị áp bức; là lực lượng chủ yếu đánh bại chủ nghĩa phát xít, cứu loài người thoát khỏi chế độ diệt chủng; là lực lượng tạo ra sự đối trọng về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ,… buộc chủ nghĩa tư bản phải điều chỉnh theo xu hướng dung hòa lợi ích giai cấp. 

Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và đang giữ vai trò quan trọng giúp Đảng và Nhà nước ta phân tích, đánh giá và giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử xã hội XHCN đã chỉ ra rằng, những người kế thừa chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã phạm nhiều sai lầm, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn. Mô hình CNXH kiểu cũ, với việc phủ nhận kinh tế thị trường, thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu… đã dẫn đến tình trạng xã hội trì trệ, sự thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến khủng hoảng, sụp đổ. 

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta xác định “Tư tưởng xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc  và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” với các kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm hiện thực Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 2011. Những nội dung sau đây của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII là một minh chứng:

Thay vì xây dựng nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trong mô hình cũ, Đảng ta xác định “phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và “khẳng định bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Ngoài ra, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng còn xác định nhiều nội dung thể hiện tinh thần đổi mới, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào bối cảnh thời đại và đất nước, trên các lĩnh vực khác nhau, như: văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách dân tộc, tôn giáo; chức năng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội; chính sách quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; chính sách đối ngoại và xây dựng Đảng…

Ngày nay, để đấu tranh với các thế lực thù địch xuyên tạc chúng ta phải đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng đảng, bao gồm vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Từ những thành tựu của 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (1991) và đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (2011) được xác định trong Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã cho thấy tính đúng đắn của việc kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhất là các chính sách cụ thể để không ngừng phát triển học thuyết cách mạng đó. Ngoài ra, mọi cán bộ đảng viên chúng ta cần phải nâng cao trình độ lý luận chính trị, “sức đề kháng” trước những tác động tiêu cực để tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về mặt tư tưởng, lý luận; tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Chỉ có như vậy mới góp phần xây dựng và nâng cao sức chiến đấu của Đảng ta trong tình hình mới./.